Chờ...

Tại sao nên dạy trẻ nấu ăn?

(VOH) - Không ít phụ huynh cho rằng, nấu ăn là công việc chỉ dành cho người lớn và thật sai lầm khi ngăn trẻ vào bếp kể cả khi chúng đã lớn phổng mà không biết làm món gì cho chính mình.

Có thể nhiều bậc cha mẹ sẽ khó chịu khi được khuyên hãy để con vào bếp nấu ăn – vì họ cho rằng những đứa trẻ cần nhiều thời gian để học, để chơi còn việc nấu ăn là của cha mẹ, ông bà hay người giúp việc. Điều này vô tình tạo ra những đứa trẻ nhiều tuổi – không hề biết động tay nấu nướng, kể cả nấu những món đơn giản nhất.

Những đứa trẻ rồi sẽ lớn và sẽ phải tự lo cho mình, vì vậy, chẳng bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để chỉ cho trẻ cách nấu ăn hoặc dạy cho trẻ những kĩ năng bếp núc cơ bản.

Đây là kĩ năng quan trọng và theo trẻ suốt cuộc đời. Nếu bạn là một phụ huynh và vẫn chưa tìm thấy lý do để “đẩy” con vào bếp thì hãy tìm hiểu những giá trị của việc dạy nấu ăn cho trẻ ở dưới đây.

Nấu ăn là cách kết nối gia đình hiệu quả

Nấu ăn cùng với trẻ em là một trong những hoạt động kết nối gia đình hữu ích nhất mà các thành viên trong gia đình nên làm cùng nhau.

Khi được phép vào bếp cùng mẹ nấu ăn, trẻ em cảm thấy sự quan trọng của bản thân và thấy mình như một phần không thể thiếu của gia đình. Việc được tin tưởng giao nhiệm vụ trong bếp cũng giúp trẻ cư xử có trách nhiệm và giúp cha mẹ giảm bớt gánh nặng khi chuẩn bị bữa ăn gia đình một mình.

nấu ăn, để con vào bếp, học nấu ăn

Nấu ăn giúp trẻ kết nối tốt hơn với cha mẹ! (Ảnh: istockphoto)

Nấu ăn giúp trẻ thư giãn và suy nghĩ tích cực

Trẻ em ngày nay thường dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử và thiếu thời gian giao tiếp, kết nối với người thân. Tham gia các hoạt động nấu ăn lành mạnh hơn nhiều và còn giúp trẻ thư giãn. Khi chúng hoàn thành một việc hoặc một món và được khen ngợi, trẻ sẽ cảm thấy mình trưởng thành và đầy tự hào về “thành tích” đã đạt được.

Nấu ăn giúp trẻ ăn nhiều hơn

Khi trẻ tự tay nấu đồ ăn, chúng sẽ có khả năng ăn nhiều hơn - hoặc ít nhất là thử món đó (dù không ăn hết). Với các món mới, chúng có thể không thử trong lần đầu tiên thử làm nhưng theo thời gian, chúng sẽ cảm thấy thoải mái với món đó và cuối cùng sẽ ăn thử sản phẩm của mình.

Ngoài ra, khi tập tành nấu ăn, trẻ cũng dễ dàng thử và thưởng thức trái cây, rau quả nhiều hơn.

Nấu ăn giúp trẻ biết nhiều cách chế biến thực phẩm

Nếu không được dạy kỹ năng nấu ăn thích hợp, trẻ em có thể nghĩ rằng món khoai tây chỉ làm được mỗi một món khoai tây chiên. Tuy nhiên, khi học nấu ăn, trẻ sẽ có thể thu thập nhiều thông tin hơn, chẳng hạn một củ khoai tây có thể nấu những món gì, tôm tươi có thể nấu với các loại rau gì… Nếu chỉ ăn sẵn hoặc ăn đồ ăn nhanh, trẻ sẽ rất thiếu kiến thức thực tế dạng này.

nấu ăn, để con vào bếp, học nấu ăn

Trẻ khéo tay hơn khi luyện cắt rau củ (Ảnh: Butterkicap)

Thức ăn cũng có thể là thuốc và nếu trẻ học cách chuẩn bị thức ăn/nấu ăn, chúng có thể hiểu thực phẩm nào tốt, xấu và nên cung cấp thực phẩm nào cho cơ thể, cả hiện tại và trong tương lai.

Nấu ăn giúp trẻ thấy việc đọc sách mang lại hiệu quả rõ ràng

Khi đã được mẹ dạy các kĩ năng cơ bản trong bếp, trẻ có thể tự làm món mới theo hướng dẫn trong sách và đó là cách tốt nhất để cho trẻ thấy rằng đọc sách mang lại kết quả rõ ràng.

Nấu ăn từng bước theo hướng dẫn sẽ có thể nhận được một kết quả hoàn hảo – điều này là động lực giúp trẻ trau dồi kĩ năng đọc, ghi nhớ và sắp xếp, sau đó ứng dụng trong nấu ăn. Đây quả là lợi ích rất thiết thực phải không.

Nấu ăn giúp trẻ học toán tốt hơn

Chúng ta gần như không thể nấu ăn mà không ứng dụng một số công thức toán học. Đó là lý do, khi nấu ăn, trẻ sẽ được làm quen với nhiều định dạng phân số (ví dụ như ½, ¾, chia nửa, chia ba…), biết thêm về nhiệt độ và hình học nếu chúng được hướng dẫn làm bánh.

Nấu ăn có thể giúp trẻ em thấy rằng toán học có một ứng dụng thực tế trong thế giới thực và không trừu tượng như chúng nghĩ.

Khi nấu ăn, trẻ có thể sử dụng tất cả các giác quan (nhìn, ngửi, sờ, nếm…), cho phép trẻ ghi nhớ những gì đã học theo cách không giống bất kỳ cách nào khác, từ đó trẻ cũng trau dồi thêm kinh nghiệm cho chính mình.

Trẻ được tiếp xúc với kiến thức hóa học sớm

Trẻ học hóa học ở lớp mẫu giáo ư? Đó không phải là tưởng tượng đâu nếu trẻ được tham gia làm bếp. Từ việc nêm mắm muối hay pha chế nước chanh, cam, rồi thêm đá lạnh để làm nước mát – đó chẳng phải là khởi nguồn của môn hóa học hay sao?

Trẻ được tìm hiểu về nguồn gốc thực phẩm

Một phần của nấu ăn là mua sắm thực phẩm. Khi đi mua sắm đồ ăn cùng bố mẹ trẻ sẽ tìm hiểu nhiều hơn về nguồn gốc các loại thực phẩm, chẳng hạn, bánh pizza, miến hay bánh đa làm từ nguyên liệu gì…

Ngoài ra, khi tiếp xúc và lựa chọn thực phẩm, trẻ sẽ được làm quen với các thông tin quan trọng như giá trị dinh dưỡng và thông tin về calo; cách chọn thực phẩm tươi ngon thông qua màu sắc và hình thái của thực phẩm.

nấu ăn, để con vào bếp, học nấu ăn

Trẻ sẽ trau dồi được kĩ năng chọn thực phẩm khi tập đi chợ và làm bếp (Ảnh: Kidds Place)

Nấu ăn dạy trẻ em về các nền văn hóa khác nhau

Không nhiều bố mẹ nghĩ tới điều này khi để trẻ vào bếp dù đây là một trong những điều khiến việc nấu ăn trở nên thú vị với trẻ. Từ việc phụ mẹ làm những món ăn như mì Ý, thịt xá xíu hay bún bò Huế, bún mắm… trẻ cũng biết thêm được nhiều về các món ăn đặc trưng của nhiều vùng miền khác nhau.

Nấu ăn là kỹ năng quan trọng suốt đời

Ai cũng hiểu những lợi ích khi nấu ăn tại nhà và nguy cơ từ những thực phẩm nấu sẵn, những món ăn nhanh bán nhan nhản ngoài đường nhưng nấu ăn ra sao, tạo thói quen ăn uống tại nhà cho con như thế nào lại là điều không dễ.

Để tạo thói quen ăn uống tốt cho trẻ chẳng có cách nào khác là khuyến khích trẻ vào bếp nhiều hơn. Kiến thức nấu ăn của cha mẹ có thể còn nhiều thiếu sót nhưng nếu cùng tìm hiểu, cùng con nấu nướng chắc chắn kĩ năng nấu ăn của cả nhà sẽ được cải thiện.

Dạy trẻ em nấu ăn cũng là cách chuẩn bị cho tương lai, giúp trẻ có thể tự nấu những món ăn đơn giản cho mình khi cần thiết, tự chế biến những món mới theo tưởng tượng của mình hoặc nấu ăn cho người thân khi bố, mẹ bị ốm… Bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng nếu một ngày mệt mỏi, con trẻ tự nấu cháo và mời bạn ăn. Đó quả là niềm tự hào hiếm có mà ít cha mẹ ngày nay có được.