Chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới vào năm 2020

(VOH) - Dự kiến quý 1/2019, Bộ sẽ ban hành danh muc thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp để địa phương đầu tư.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, diễn ra vào chiều 9/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định xây dựng đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất trường học là 2 vấn đề quan trọng quyết định hiệu quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Quang cảnh buổi họp

Theo Tiến sĩ Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ phòng học/lớp cả nước hiện đạt khoảng 0,9 phòng/lớp, ở khối trung học cơ sở, trung học phổ thông trên 0,8 phòng/lớp. Định hướng tới đây khi áp dụng chương trình mới, tiểu học phải đáp ứng tỷ lệ 1 phòng/1 lớp để học 2 buổi/ngày, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cần đáp ứng tỷ lệ 0,6 phòng/lớp để tổ chức học các môn tự chọn.

Bên cạnh đó, các yêu cầu về phòng học bộ môn và phòng học chức năng hiện nay đáp ứng được khoảng 70%. Vì vậy, các các địa phương cần quan tâm đầu tư triển khai xây dựng cơ sở vật chất từ các nguồn kinh phí như Trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ qua chương trình nông thôn mới, ngân sách địa phương... Dự kiến quý 1/2019, Bộ sẽ ban hành danh muc thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp để địa phương đầu tư.

"Với bức tranh này có thể thấy, cấp THCS, THPT cơ sở vật chất tương đối yên tâm. Với tiểu học, hiện nay 90% các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu 2 buổi/ngày, còn 10% chưa đủ phòng học. Tuy nhiên, nếu triển khai vào năm 2020, đối với cấp 1 trước, chúng ta vẫn có thể thực hiện được, nhưng phải chuẩn bị lộ trình đầu tư áp dụng cho lớp 2 sau 2021", Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất thông tin thêm.

Với đội ngũ nhà giáo, Tiến sĩ Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo, cho biết những năm qua Bộ đã tổ chức rất nhiều chương trình đào tạo hướng đến chuẩn của chương trình mới cho giáo viên. Hiện trên cả nước vẫn còn thiếu gần 76.000 giáo viên, tập trung nhiều ở khối mầm non và tiểu học. Riêng khối trung học cơ sở có tình trạng vừa thừa vừa thiếu cục bộ giữa các môn học, dẫn đến thiếu hơn 10.000 giáo viên ở một số môn, nhưng vẫn thừa hơn 12.000 giáo viên ở một số môn khác. Khi triển khai, chương trình mới sẽ thực hiện song song với chương trình cũ vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần được chủ động thực hiện.

"Giáo viên vừa thực hiện chương trình phổ thông hiện hành, vừa thực hiện chương trình phổ thông mới, vừa đảm bảo bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn, vừa bồi dưỡng thực hiện lộ trình cuốn chiếu. Như vậy, cần xây dựng chi tiết kế hoạch này, đồng thời có dự báo, chuẩn bị lực lượng để bố trí dạy theo lớp cuốn chiếu ngay bây giờ. Chọn lựa giáo viên phù hợp nhất để có thể đón nhận được lộ trình thay sách. Đây là sự sắp xếp, kế hoạch rất chi tiết của địa phương, đến từng trường, từng môn học, giáo viên...", ông Đức Minh nói.    

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định chương trình tốt cách mấy cũng không thể phát huy nếu không đáp ứng được yêu cầu về xây dựng đội ngũ nhà giáo và xây dựng cơ sở vật chất  trường lớp. Để giáo viên phát huy tốt vai trò của mình, bên cạnh đề ra những yêu cầu, các đơn vị cần tạo động lực cho cho các thầy cô, giảm bớt các loại sổ sách, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ trưởng lưu ý phải tăng cường, tạo điều kiện tốt, cơ hội cho các thầy cô, đồng thời có những chế tài, để một số thầy cô không nắm được thì cũng phải có phương cách. Tránh tình trạng cào bằng một số người ảnh hưởng uy tín, dẫn đến tình trạng các thầy cô băn khoăn áp lực. Thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác và chỉ đạo cấp cao của các lãnh đạo địa phương".

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi ở TP chỉ đạt 60%. Đầu năm học 2018-2019, số học sinh lớp 1 tăng hơn 20.000 em, nên tỷ lệ học 2 buổi ở cấp học này lại càng thấp hơn. Chuẩn bị triển khai chương trình mới vào năm 2020, bên cạnh công tác xây dựng phòng học, thành phố áp dụng hình thức học thêm buổi thứ 6 để đảm bảo giờ học tối thiếu theo quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giáo dục như học sinh học 2 buổi thì sẽ khó khăn. Đặc biệt, ở các quận áp lực dân số cao.