Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Phải quốc tế hóa giáo dục đại học (P.2)

(VOH) - Quốc tế hóa giáo dục đang tiếp tục là xu thế phát triển tất yếu của các trường đại học trên thế giới. Các trường đại học Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc chơi này.

Như Bài 1: Học tiếng Anh đối phó - Hội nhập sẽ càng khó đã đề cập, ngoại ngữ - ở đây là tiếng Anh, chính là công cụ, là chìa khóa để hội nhập nhanh nhất với nền giáo dục toàn cầu.

Muốn được cộng đồng giáo dục thế giới công nhận, chương trình đào tạo phải được dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ, chương trình phải được quốc tế công nhận, sinh viên ra trường đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu… là những thử thách mà các trường đại học phải vượt qua.

Mời quý vị nghe phần 2 của loạt bài Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Bắt đầu từ ngoại ngữ.

Bài 2: Muốn tồn tại – phải quốc tế hóa giáo dục đại học

Quốc tế hóa giáo dục phải được thể hiện ở nhiều mặt và hoạt động quốc tế hóa phải diễn ra ngay từ bên trong các trường đại học Việt Nam.

Các vấn đề đặt ra, đó là các trường đại học đứng trước yêu cầu phải đổi mới hệ thống chương trình đào tạo phù hợp với thông lệ giáo dục đại học quốc tế; Nâng cao kỹ năng tiếng Anh của sinh viên, giảng viên đại học. Trường đại học cũng phải tạo môi trường thuận lợi để các đối tác quốc tế từ các nước đến Việt Nam xây dựng chi nhánh giáo dục của họ, trao đổi nguồn tri thức, khoa học, công nghệ lẫn nhau.

Theo Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Việt - Đức, trước xu thế toàn cầu hóa, trường đại học phải đi vào mạng lưới toàn cầu, đòi hỏi các trường phải tự có chiến lược, hành động để nâng cấp chất lượng, nâng tầm quản trị, mọi mặt… Đồng thời, trường đại học cũng phải tiếp cận kiến thức từ bên ngoài để tạo động lực thúc đẩy, nâng tầm trường đại học.

Môi trường giáo dục quốc tế với sinh viên, giảng viên đến từ nhiều quốc gia sẽ giúp sinh viên phát triển kĩ năng ngôn ngữ tốt hơn (Ảnh: Doanhnhan+)

Đại học phải giảng dạy theo chuẩn quốc tế

Tiến sĩ Hà Thúc Viên đánh giá: “Nếu muốn tiếp cận tri thức mới thì việc trao đổi hết sức cần thiết. Trong một thế giới phát triển, không chỉ có kiến thức mà còn là hiểu biết văn hóa mới giúp được cho sinh viên, nhà khoa học bước lên một bước cao hơn. Cho nên, quá trình phát triển của đại học nó không có giới hạn về mặt lãnh thổ hành chính, trường đại học phải vượt ra vì tri thức là toàn cầu”.

Muốn tồn tại trong hệ thống giáo dục toàn cầu, trường đại học buộc phải quốc tế hóa, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội khẳng định: “Công tác đào tạo phải “nhúng” vào hai môi trường. Thứ nhất là môi trường của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Môi trường thứ hai là hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế ở đây là hợp tác đi đôi với cạnh tranh, tranh giành tài năng. Do đó, con người phải được đào tạo để phù hợp với bối cảnh mới, trước hết phải là con người làm chủ”.

Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã đầu tư các chương trình đào tạo dựa theo theo chuẩn của khu vực và quốc tế. Gần nhất là chuẩn AUN-QA: tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á đã được nhiều trường đại học tiếp cận chuẩn này.

Đến thời điểm này, Đại học Quốc gia TPHCM dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế, với 45 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, 2 chương trình đạt chuẩn ABET. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có 11 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA. Trường Đại học Nông Lâm TPHCM với 2 chương trình đào tạo đạt chuẩn này. Sau chuẩn khu vực AUN-QA, là các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế như: ABET, FIBAA, HCERES, ACBSP…

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã nhìn lại quá trình thay đổi của Trường trước yêu cầu đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số: 100% chương trình đào tạo được thiết kế lại và cập nhật hàng năm, 50% được nhập khẩu từ các đại học tiên tiến, 12 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh… là những con số biết nói, mà chính tư duy người lãnh đạo phải thay đổi.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, chính triết lý giáo dục mà nhà trường xây dựng cũng đã hàm chứa tính quốc tế hóa, đó là Nhân bản – Sáng tạo – Hội nhập: “Hiện nay, chương trình đào tạo chúng tôi lấy chương trình ở những nước tiên tiến và cập nhật lại cho phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Trường hoàn toàn đổi mới phương pháp giảng dạy, hệ thống TA (Teacher Assistant - trợ lý giảng dạy), chuyển sang đánh giá 7 – 8 lần trong một học kỳ, phương pháp học tập kết hợp (blended learning). Nói chung, chúng tôi sử dụng những bài học mà quốc tế đã đi trước mình ứng dụng trong điều kiện Việt Nam và thành công”.

Sinh viên UEF được học tập cùng giảng viên nước ngoài để hoàn thiện kỹ năng (Ảnh: Dân trí)

Nên hay không “nhập khẩu” phương pháp giáo dục?

Thạc sĩ Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng, khi đưa chương trình giáo dục của quốc tế áp dụng vào điều kiện giảng dạy của Việt Nam, trường luôn xem xét việc có nên “nhập khẩu” nguyên chương trình hay không và chọn giải pháp: sinh viên, giảng viên cùng tham gia thiết kế lại chương trình đào tạo.

Bà không cho rằng “đây là giải pháp có thể áp dụng cho tất cả mọi người nhưng đây là cách mà Đại học Fullbright có lựa chọn dựa trên việc tham khảo rất nhiều kinh nghiệm của các quốc gia có nền giáo dục được coi là ưu việt. Chúng tôi tin với cách làm việc như thế này có thể xây dựng được một chương trình phù hợp với hiện tại”.

Với các chương trình đạt chuẩn quốc tế, không chỉ mang lại lợi ích cho chính người học là sinh viên Việt Nam, mà còn là điều kiện để thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM đặt vấn đề, muốn khuyến khích sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập trao đổi, thì phải làm sao cho sinh viên nước ngoài cảm thấy môi trường học tại Việt Nam đạt chuẩn và mang tầm quốc tế.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài dẫn chứng: “Viện Đào tạo Quốc tế của Trường là nơi đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh từ bậc cử nhân cho đến thạc sĩ tiến sĩ, có hai chương trình cử nhân và thạc sĩ đã được công nhận bởi Tổ chức FIBAA. Muốn sinh viên quốc tế đến học thì mình phải chứng minh chương trình đào tạo của mình là tiếng Anh; đạt chuẩn với các đối tác Úc, Hoa Kỳ; chương trình đã được kiểm định quốc tế. Điểm thứ nhất là ngay chính môi trường đó, các thầy cô phải giảng dạy bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Muốn được như vậy, giảng viên ít nhất họ phải tốt nghiệp từ các quốc gia phát triển”.

Khi các trường đại học đã “hội nhập” và tiệm cận với phương pháp giảng dạy quốc tế, nếu sinh viên không biết tiếng Anh, hạn chế năng lực tiếng Anh hoặc thậm chí “không thích” học tiếng Anh thì có thể học tập được hay không?

Đây là điều rất đáng lo ngại khi năng lực tiếng Anh của người Việt, của sinh viên Việt đang ở mức thấp so với mặt bằng chung của các nước.

Bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ lớn nhất thế giới mà Tổ chức giáo dục Education First (EF) vừa công bố đã cho thấy những kết quả rất đáng để những người làm giáo dục phải đưa ra những quyết sách thay đổi. Đáng chú ý, năng lực tiếng Anh của người Việt xếp thứ 41/88 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Việc xếp hạng này đưa ra sau khi Tổ chức EF tiến hành khảo sát 1,3 triệu người tại 88 quốc gia, vùng lãnh thổ về khả năng sử dụng tiếng Anh. So với năm 2017, xếp hạng của Việt Nam tụt 7 hạng.

Phân tích về những hạn chế, rào cản trong việc học tiếng Anh của học sinh, sinh viên Việt Nam so với thế giới, gợi mở những giải pháp về học ngoại ngữ, đây cũng là nội dung kết thúc loạt bài này qua cuộc phỏng vấn bà Cao Phương Hà – Thạc sĩ Đại học Harvard, Giám đốc Điều hành Tổ chức giáo dục Education First tại Việt Nam.

Bình luận