Chờ...

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Học tiếng Anh đối phó - Hội nhập càng khó (P.1)

(VOH) - Trên thế giới hiện có hơn 1,6 tỷ người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, tuy nhiên tại Việt Nam việc đào tạo tiếng Anh còn nhiều điều đáng ngại.

Ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập với thế giới. Đối với các doanh nghiệp lớn, yêu cầu về năng lực ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc khi lựa chọn các ứng viên.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, học thuật cũng vậy, để tiếp tục các bậc học cao hơn, tiếng Anh là chìa khóa để mở ra các cánh cửa tri thức, tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. Đặc biệt, tại các trường đại học – cao đẳng hiện nay thì các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi giảng viên, sinh viên với các quốc gia nói tiếng Anh phát triển mạnh mẽ.

Vậy, các trường đại học đã hoàn thành sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới hiện nay ra sao ? Loạt bài Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Bắt đầu từ ngoại ngữ do phóng viên Thùy Linh thực hiện. 

Bài 1: Học tiếng Anh đối phó - Hội nhập sẽ càng khó

Theo ước tính, tiếng Anh đang là ngôn ngữ chính của hơn 50 quốc gia. Có hơn 1,6 tỷ người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Hiển nhiên, tiếng Anh là điều cần thiết để chúng ta trở thành công dân toàn cầu. Thế nhưng, khi nhìn lại thực tế dạy và học tiếng Anh ở môi trường giáo dục của nước ta, thì còn quá nhiều bất cập.

Một tiết học Logistics - giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh của trường Đại học Quốc tế (Ảnh: LH)

Sinh viên chưa hứng thú với môn tiếng Anh

Cách đây 10 năm, Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 được phê duyệt mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường. Mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.

Thế nhưng hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chủ yếu theo truyền thống, tức là chú trọng kỹ năng đọc, viết và mục đích chủ yếu là phục vụ cho các kỳ thi, chưa thực sự ứng dụng vào thực tiễn công việc.

Sinh viên Ngọc Bội hệ không chuyên ngữ cho biết, một số bạn không thích học tiếng Anh vì lúc ở dưới quê, không tiếp cận được tiếng Anh, giáo viên cũng không nói nhiều về tiếng Anh.

Ngọc Bội cho rằng: “Bạn nào có khả năng tương đối về tiếng Anh thì tự học là chủ yếu, còn những bạn không có khả năng và không muốn học là do sự truyền tải giữa người dạy đến người học chưa phát huy một cách tối đa, làm cho người học cảm giác không có năng lượng để học môn tiếng Anh, cũng không thể biến thành niềm đam mê để trau dồi”.

Sinh viên Song Anh thì đánh giá: “Hạn chế lớn nhất là các bạn không có một cách học tiếng Anh đúng, chỉ nghĩ đơn giản, tiếng Anh là một môn học và mình cần phải qua môn. Là môn học bắt buộc nên các bạn không có niềm vui thích khi học. Ví dụ, yêu cầu ngoại ngữ là 3/6 theo Khung năng lực châu Âu, thì các bạn chỉ học đến mức đạt được bậc 3/6 thì cảm thấy  đủ rồi, nên không có sự phát triển lên nữa”.

Để đặt ra ngưỡng tiếng Anh bắt buộc, có khoảng 30 trường đại học cao đẳng đã đưa ra các tiêu chuẩn về ngoại ngữ cho sinh viên khi tốt nghiệp, các quy chuẩn đầu ra cũng thường dựa vào bài thi đánh giá năng lực như TOEIC, TOEFL, IELTS… Vậy, học ngoại ngữ để đối phó với chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp hay học ngoại ngữ cho mục tiêu phát triển nghề nghiệp của mình?

Câu trả lời ít nhiều thấy rõ, mới đây, nhiều sinh viên của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM lên tiếng phản ứng khi trường này nâng chuẩn tiếng anh đầu ra, từ TOEIC 2 kỹ năng (Nghe và Đọc) sang TOEIC 4 kỹ năng với điểm số 450 trở lên.

Giờ học tiếng Anh với giảng viên nước ngoài của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp (Ảnh: Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính)

Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngân hàng TPHCM đã phải dùng từ “buồn” khi nhắc đến một thực trạng, đợi đến năm cuối sinh viên mới bắt đầu “chạy”.

“Chạy chứng chỉ ngoại ngữ, chạy chứng chỉ tin học để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra. Năm cuối là năm sinh viên có rất nhiều việc để làm, phải học cho hết các môn của chương trình đào tạo, có em còn làm khóa luận tốt nghiệp, thực tập… Nhiều thứ các em phải đạt cùng một lúc khiến sinh viên bị áp lực nặng” – Tiến sĩ Minh lý giải.

Dạy-học tiếng Anh còn rất nhiều hạn chế

Về thực trạng học tiếng Anh của sinh viên, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chỉ ra những hạn chế.

Đáng chú ý, điểm yếu nhất hiện nay chính là thiếu trầm trọng môi trường cọ xát. Đa phần học sinh, sinh viên vẫn phải học tiếng Anh một cách thụ động từ bậc phổ thông rồi đến đại học. Lệch kỹ năng, thiếu môi trường giao tiếp, rất khó để sinh viên sử dụng tiếng Anh lưu loát sau khi tốt nghiệp.

Thạc sĩ Trần Tín Nghị, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho rằng, chỉ khi nào chúng ta không còn hướng đến các chứng chỉ, các chuẩn đầu ra mà hướng đến cái cụ thể nhất, đó là sinh viên khi ra trường giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Theo Thạc sĩ Trần Tín Nghị: “Có thể sinh viên không cần bằng cấp nhưng cần có môi trường tốt để học tập và trên cơ sở đó công tác đánh giá của các trường cần nhấn mạnh vào kỹ năng nghe – nói thay vì tập trung vào kỹ năng đọc – viết như hiện nay.

Khi có sự chuyển đổi như vậy, không quá nặng nề về các chuẩn đầu ra, chúng ta sẽ xây dựng được một môi trường học tập tiếng Anh tự nhiên hơn, giúp sinh viên cảm thấy tiếng Anh gần gũi với cuộc sống  và gần hơn với công việc sau này”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Vũ Phi Hổ, Giám đốc Điều hành phụ trách đào tạo Trường Đại học Văn Hiến cho rằng: “Không cần người thông minh hay tài năng mà bất cứ ai cũng có thể học được ngoại ngữ bởi nó chỉ là ngôn ngữ. Nếu sinh viên hiểu được vấn đề này, kết hợp với việc giáo viên tạo ra hoạt động phù hợp, kết hợp chính sách tốt trong dạy ngoại ngữ của nhà trường thì ngôn ngữ của sinh viên sẽ lưu loát hơn”.

Trước xu thế hội nhập thì đào tạo người học sao cho họ sử dụng lưu loát tiếng Anh trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Tính thực tiễn, năng lực ngoại ngữ có thể áp dụng vào công việc, đời sống hàng ngày, quan trọng hơn là các bài thi để đạt chứng chỉ.

Tiếng Anh chính là chìa khóa để nguồn nhân lực Việt Nam hội nhập và cạnh tranh với thị trường lao động toàn cầu. Song song với vấn đề này, các trường đại học cũng phải quốc tế hóa chương trình đào tạo của mình, để đem lại cho người học kiến thức, kỹ năng và nền kiến thức chuyên môn tương đương với chất lượng giáo dục toàn cầu.

Đó cũng là lựa chọn “sống - còn” của giáo dục đại học hiện nay trước tình hình mới.

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Phải quốc tế hóa giáo dục đại học (P.2) - Quốc tế hóa giáo dục đang tiếp tục là xu thế phát triển tất yếu của các trường đại học trên thế giới. Các trường đại học Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc chơi này.