Chờ...

Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?

(VOH) - Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc cao trên thế giới.

Nhằm tìm ra những giải pháp, kiến nghị và tham mưu để UBND thành phố có những chỉ đạo cụ thể trong việc thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM, Hội Xuất bản Việt Nam và Báo Tuổi trẻ vừa phối hợp tổ chức tọa đàm "Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ".

Theo số liệu của Cục xuất bản Việt Nam trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, nhưng trong số đó đã có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, sách giáo trình phục vụ học tập của khoảng 22 triệu học sinh sinh viên cả nước. Vậy thì chỉ có khoảng 1 đầu sách/người/năm. Điều đó cho thấy văn hóa đọc của người Việt chúng ta còn quá thấp khi số đầu sách đọc quá khiêm tốn. Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc cao trên thế giới.  

Trẻ em đọc sách tại nhà sách Fahasha Tân Định, TPHCM

Trẻ em đọc sách tại nhà sách Fahasha Tân Định, TPHCM. Ảnh minh họa: nxbgtvt

Gần 30 tham luận tham gia cuộc toạ đàm này, đều cho thấy việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ là đi đúng vào mấu chốt của vấn đề phát triển văn hoá đọc hiện nay. Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.

Tác giả của quyển sách "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cho biết về sự cần thiết tạo dựng một thói quen đọc ở nơi trẻ nhỏ: "Thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động. Như vậy đã hình thành một cách tự nhiên với một đứa trẻ. Đó là hành vi một nhu cầu như hát hò, chạy nhảy, vẽ vời, hát hò. Nhưng hạt giống của thói quen đó phải được hình thành và phải có ai gieo trồng trong đầu của đứa trẻ từ thuở ấu thơ".

Ngày 15/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 329 về Phê duyệt Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2020: Phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.

Thấy được tầm quan trọng của việc tạo nên thói quen đọc sách mà thời gian qua, các trường học đã lên những dự án, kế hoạch với mong muốn từng đứa trẻ có thói quen đọc từ gia đình, từ nhà trường lúc còn bé. Thạc sĩ Lê Thị Liên – Công ty Cổ phần Giáo dục Thành Thành Công, chia sẻ ngoài việc ba mẹ đọc sách cùng con thì nhà trường cũng cần có kế hoạch giúp trẻ đọc sách từ tuổi mầm non. 

"Tất cả các hoạt động đọc sách của trẻ đều phải hướng tới nội dung học tập theo dự án. Những cuốn sách đơn giản, quen thuộc thì việc đọc sách đối với con trở nên ý nghĩa. Ngoài chương trình đọc sách thì việc tổ chức sách theo hoạt động mỗi một đứa trẻ sau khi đọc sách thì con sẽ gắn lên kệ sách của mình sẽ biết được một năm con đọc được bao nhiêu cuốn sách. Và điều quan trọng hơn cả là giáo viên biết được trẻ con thích đọc thể loại sách nào?", bà Liên cho biết.

Ở lứa tuổi mầm non là vậy. Với các em học sinh thì việc đọc sách càng cần thiết hơn nữa. Các dự án cộng đồng cũng đã chung tay đem sách đến cho các em học sinh, nhằm giúp đa dạng đề tài, thể loại để các em hứng thú với sách. Được tài trợ 17 tủ sách từ dự án Tủ sách nhân ái, Trường Đông Hòa B - Bình Dương đến hiện nay đã có khoảng 5.000 đầu sách cho học sinh của trường. Để hình thành dần thói quen đọc sách cho học sinh, bà Phạm Thị Chinh – Hiệu trưởng của trường cho biết kinh nghiệm: "Chúng tôi làm công tác tư tưởng, nâng cao ý thức và trách nhiệm của giáo viên để giáo viên nhìn nhận được sự việc này để giáo viên đồng hành với trường. Kể cả phụ huynh cũng vậy. Thực hiện rất nhiều hoạt động, để lôi kéo các em đến thư viện của trường. Năm học 2018 – 2019, chúng tôi đưa vào kế hoạch rèn thói quen này, phải làm hằng ngày. Và chúng tôi dành 30 phút đầu tiên trong ngày từ 7h đến 7h30 để thực hiện".

Rõ ràng, có khá nhiều cách thức để giúp các em đến với sách, đọc sách trong thời gian qua từ nhà trường. Các thầy cô giảng dạy, thì cô thư viện đã có những cách làm rất thuyết phục, nhẹ nhàng, giúp các em dần hình thành thói quen tốt này, đặc biệt là có thói quen và phương pháp đọc hiệu quả.

Cũng giống như Trường Đông Hòa B - Bình Dương là cho học sinh đọc sách đầu giờ, Trường Đinh Thiện Lý ở Quận 7 còn dành thời gian cho việc đọc và diễn đạt, cho việc chia sẻ cảm nhận về sách giữa các em học sinh với nhau và thầy cô có nhiệm vụ đánh giá hiệu quả về việc đọc của học sinh. Bà Hoàng Thị Diễm Trang – Hiệu trưởng Trường Đinh Thiện Lý cho biết về cách làm của nhà trường: "Mỗi lớp đều có cán sự thư viện và trong trường có câu lạc bộ sách. Các em sẽ là người cùng tham gia với các cô, bộ phận nhân viên chuyên trách, để tổ chức sự kiện cho hoạt động trong thư viện tại trường hoặc giới thiệu sách trên toàn trường cho học sinh. Cán sự mỗi lớp đều có tủ sách tiểu thư viện. Thế thì vận hành ra làm sao, như thế nào thì cán sự thư viện là cần thiết. Và để làm tròn vai trò của mình thì đầu năm các em đã được tập huấn".

Với những đề xuất rất sát thực tế, như xây dựng thư viện thân thiện, thư viện đạt chuẩn, thì sắp tới Sở Thông tin và Truyền thông cũng sẽ có những kiến nghị để văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là thói quen đọc ở các em học sinh sẽ sớm hình thành và lan tỏa tình yêu với sách, khai sáng tri thức, khai sáng dân trí. Ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị: "Hội xuất bản Việt Nam phối hợp với Báo Tuổi trẻ sẽ có những kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng để nghiên cứu chủ trương xây dựng chương trình tiết đọc sách, giờ đọc sách, chính thức áp dụng vào các trường cấp 1 cấp 2 trên cả nước, mà trước mắt là thí điểm. Sở TTTT phối hợp với Sở VHTT để tham mưu kiến nghị với UBND thành phố có những chỉ đạo, khuyến khích điểm cộng bổ sung thêm tiêu chí liên quan đến văn hóa đọc vào tiêu chuẩn xét gia đình văn hóa, tổ gia đình dân cư văn hóa. Cụ thể là tuyên dương mỗi gia đình, khu phố xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách khu phố nhằm nâng cao hơn vai trò của văn hóa gia đình từ việc hình thành thói quen đọc".

Tin rằng, với nhiều biện pháp khả thi và đã có được những thành quả nhất định cùng với sự chung tay của các sở ban ngành, từ cộng đồng, gia đình thì văn hóa đọc của mỗi người dân sẽ tăng cao trong thời gian tới.