Nhà khoa học Việt đã phát triển được tàu ngầm tự hành

(VOH) - Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa TPHCM đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công tàu ngầm dưới nước, trên mặt nước phục vụ cho quan trắc môi trường, cứu hộ cứu nạn.

Tại hội thảo chuyên đề Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng Robot ngầm tự hành phục vụ quan trắc môi trường, khảo sát sông hồ và cứu hộ cứu nạn, diễn ra tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Sở Khoa học Công nghệ TPHCM sáng ngày 25/7, Tiến sĩ Trần Ngọc Huy, Giảng viên bộ môn tự động hóa, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) khẳng định tàu ngầm dưới nước, trên mặt nước phục vụ cho quan trắc môi trường, cứu hộ cứu nạn do nhóm nghiên cứu của tiến sĩ phát triển đã thử nghiệm thành công và có thể thương mại hóa.

Việc nghiên cứu tàu ngầm, trên mặt nước tự động, bán tự động phục vụ cho quan trắc môi trường, cứu hộ cứu nạn, an ninh quốc phòng… đã được nhiều nước nghiên cứu, ứng dụng. Tuy nhiên tại Việt Nam, lĩnh vực này chưa được nghiên cứu nhiều.

tàu ngầm tự hành, tàu tự hành

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Ngọc Huy thử nghiệm tàu tự hành (Ảnh: LH)

Tuy nhiên, TS Huy và các đồng nghiệp sau một thời gian nghiên cứu đã cho ra đời các phiên bản robot tự hành trên mặt nước, robot ngầm dưới nước với những phiên bản khác nhau.

Cụ thể là tàu không người lái vận hành trên mặt nước (USV), tàu ngầm điều khiển từ xa (ROV), tàu ngầm tự hành (AUV), các chương trình máy tính điều khiển thiết bị,…

Tàu không người lái vận hành trên mặt nước (USV): Có kích thước 1,2 x 0,8 mét, trọng lượng 70 kg, tốc độ di chuyển 4 knots (khoảng 2,06m/s). Tàu ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu và giám sát môi trường, vẽ bản đồ, tuần tra, trinh sát, có thể mang vũ khí cho mục đích quân sự.

Một nghiên cứu khác là tàu ngầm điều khiển từ xa (ROV) có kích thước 0,9 x 0,4 x 0,4 mét, trọng lượng 70 kg, độ sâu di chuyển 100 mét, tầm vận tốc từ 0 đến 2 knots (0 đến 1,03 m/s). Tàu có khả năng phá vỡ bom mìn và thủy lôi, tuần tra an ninh và cứu hộ cứu nạn, thăm dò dầu khí, khảo cổ học dưới nước, thăm dò tàu đắm…

Tàu ngầm tự hành (AUV) có chiều dài 2 mét, đường kính 0,25 mét, trọng lượng 80kg, độ sâu di chuyển 100 mét, tốc độ di chuyển 5 knots (khoảng 2,57m/s). Tàu có khả năng thăm dò bề mặt địa chất, thu thập thông tin về các mỏ khoáng sản, rà phá bom mình, tác chiến ngầm phục vụ cho quốc phòng,…

Theo Tiến sĩ Huy, các loại tàu này, nhóm đều đã có được công nghệ lõi để có thể hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thương mại theo yêu cầu. Các đơn vị có nhu cầu, có thể đặt hàng để nhóm phát triển các giải pháp công nghệ đáp ứng yêu cầu của họ.

Với việc làm chủ công nghệ, Tiến sĩ Huy tin rằng, sản phẩm của VN sẽ có giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm ngoại nhập.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trường Thọ, Viện kỹ thuật biển, Bộ NN&PTNT, đã đặt hàng nhóm nghiên cứu thiết kế thiết bị quan trắc môi trường trên sông, bờ biển để giảm bớt khó khăn cho nhân viên quan trắc trong thời thiết bất lợi như mưa, bão.

Hơn hết, hiện nay nhiều đơn vị nghiên cứu đang sử dụng các thiết bị của nước ngoài. nếu có thể sử dụng công nghệ Việt theo chương trình “Người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt” là một điều rất tốt.

Tàu không người lái phục vụ quan trắc sông hồ - Chiếc tàu không người lái này là nghiên cứu đầy tâm huyết của TS.Trần Ngọc Huy - Giảng viên Bộ môn Điều khiển Tự động, Khoa Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM).

Sáng tạo của sinh viên Việt Nam : Phun thuốc trừ sâu từ 'trên không'! - Loại máy bay phun thuốc trừ sâu này có thể bay theo lộ trình đã được thiết lập sẵn, khi hết thuốc máy bay tự độngquay về ...