Tại hội nghị "Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM" được tổ chức vào chiều 29/11, các đại biểu cho rằng cần phải đào tạo sinh viên học sinh hiểu rõ mục đích học để làm, chứ không phải để giữ vị trí cao trong xã hội.
Kiều bào thảo luận, góp ý cho phát triển giáo dục đại học, cao đẳng ở TPHCM.
"Học vẹt"
Theo ông Võ Thành Sơn, việt kiều Bỉ, hiện trạng 237.000 cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp và nhiều trường hợp doanh nghiệp phải đào tạo lại có một phần nguyên nhân do kiểu học vẹt từ tiểu học kéo dài lên đại học.
"Học như thế thì sinh viên không có tính tự lập, từ từ mất sự sáng tạo của họ. Sinh viên cũng không được rèn luyện về nghị lực vượt khó do cha mẹ nuông chiều quá nhiều, đưa sữa tới miệng, đưa cơm đến tận trường. Thứ ba, nhà trường, gia đình và xã hội không tạo tấm gương để học sinh noi theo, ví dụ: đi đường phạm luật, trong gia đình thì cái gì cũng nuông chiều...", ông Võ Thành Sơn chia sẻ.
Thầy chỉ dạy cái mình có...
Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, kiều bào Mỹ, Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách Khoa, cho rằng hiện nay đào tạo ở đại học có chuyên ngành khá hẹp, dễ dẫn đến làm việc trái ngành. Cách thức đào tạo nhồi nhét kiến thức kinh nghiệm và quy trình sản suất có sẵn khiến sinh viên mất hứng thú học tập và không đủ năng lực nhận thức độc lập và tư duy sáng tạo sau khi tốt nghiệp.
Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng cần mở rộng chuyên ngành, xây dựng lại chương trình đào tạo: "Người ta thường soạn cái dạy mà mình biết chứ không phải soạn cái dạy mà người ta cần. Thầy biết gì hồi xưa đến giờ thì soạn ra dạy, bắt sinh viên học. Chương trình rất khó bỏ đi. Phải lập ban cải tổ chương trình mời các giáo sư việt kiều tham gia, chứ tự nội bộ nhà trường, các thầy sẽ tranh cãi và duy trì môn mình tự dạy mà thôi. Tạo được chương trình như vậy, các giáo sư Việt kiều sẽ tình nguyện tham gia giảng dạy. Phải có một lực lượng đáng kể vào mới thay đổi được. Lượng biến mới chất biến".
Quan tâm xây dựng các trường đại học có chất lượng
GS. TS Đặng Lương Mô, kiều bào Nhật Bản, cố vấn cao cấp Đại học Quốc Gia TPHCM, từng làm việc tại nhiều đại học trên thế giới, cho rằng một số đại học Việt Nam có số sinh viên rất đông, so với điều kiện về cơ sở vật chất và số giảng viên của trường. Tỷ lệ sinh viên Việt Nam là 1,8% dân số, khá gần với Nhật Bản là 2% dân số. Tuy nhiên, số trường đại học của Nhật Bản gấp hơn 3 lần so với Việt Nam. Trong khi xét về quy mô kinh tế, GDP của Việt Nam chỉ bằng 1/22 Nhật Bản, nhưng lại ôm đồm số sinh viên khá lớn dẫn đến nhiều trường hợp ra trường không có việc làm hoặc làm không đúng chuyên môn.
GS Đặng Lương Mô cho rằng cần quan tâm xây dựng các trường đại học có chất lượng: "Các trường đại học ở Việt Nam ngay cả trường Đại học Bách khoa, nếu đi sâu vào từng điều kiện Bộ GD&ĐT quy định, chúng ta thấy vẫn chưa hội đủ. So sánh với trường Đại học Tokyo, người ta có đến 10 giải Nobel từ Vật lý, Hoá học, Y học thậm chí Văn học mà lịch sử đại học này chỉ hơn nước ta khoảng 20 năm".
Học để làm
Theo Tiến sĩ Bùi Văn Minh, kiều bào Pháp, mặc dù giáo dục Việt Nam có những thuận lợi như học sinh chăm học, chịu khó, tuy nhiên cũng còn nhiều yếu kém như: cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm còn hạn chế, sinh viên thiếu tự tin, thiếu ý chí sáng tạo, lo tập trung vào việc lấy bằng cấp.
Tiến sĩ Minh cho rằng: "Mình không thể mang chương trình của các nước tiên tiến trên thế giới về ứng dụng trực tiếp tại nước ta vì điều kiện kinh tế, điều kiện phát triển của đất nước đòi hỏi một số vấn đề cụ thể. Chúng ta phải đào tạo sinh viên học sinh hiểu rõ mục đích học để làm, chứ không phải để giữ vị trí cao trong xã hội. Ngay cả bên Mỹ, một nước văn minh tiên tiến họ còn nghĩ đến chuyện đó, thì tại sao một nước cần phát triển lại không nghĩ đến."