Dưới đây là một số lời khuyên về việc cần làm gì trước, trong và sau lũ để tăng cơ hội sống sót – VOH online tổng hợp từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và từ website Floodsafety (thuộc Sở Thời tiết quốc gia Mỹ).
Người dân cần biết cách ứng phó lũ phù hợp để đảm bảo an toàn cho chính mình (Ảnh: Facebook)
Trước lũ
Khi được cảnh báo lũ hoặc xuất hiện các nguy cơ mưa bão thì đây là lúc bạn cần chuẩn bị (theo thứ tự ưu tiên):
+ Hãy thiết lập đường dây liên lạc (bằng điện thoại–hãy tiết kiệm pin và chuẩn bị pin dự phòng) để có thể liên lạc với họ hàng, bạn bè nhằm cập nhật tình trạng của bạn và yêu cầu hỗ trợ nếu cần.
+ Hãy cất/mang theo mình các giấy tờ CMND, hồ sơ, số tài khoản ngân hàng…
+ Chuẩn bị đủ thức ăn (mì, lương khô, bánh – không phải trữ lạnh hoặc qua chế biến), nước uống và thuốc, bộ dụng cụ sơ cứu đủ dùng cho cả nhà trong vòng 3-5 ngày; chăn, màn, chiếu, gối…
+ Trong thời gian bão lũ, chắc chắn nguồn điện sẽ bị gián đoạn, vì vậy cần chuẩn bị đèn pin, ủng cao su, găng tay cao su và thậm chí là một chiếc radio chạy pin – để nếu không thể liên hệ với bên ngoài, bạn vẫn có thể nắm được tình hình mưa lũ và các thông báo an toàn từ chính quyền địa phương.
+ Nếu dự báo lũ lớn và có lệnh sơ tán, hãy khóa cửa nhà và đưa người thân, vật nuôi đến vùng đất cao hơn để đảm bảo an toàn. Đừng chờ đến khi quá muộn!
Đây là một cách bảo vệ tài sản trong lũ (Ảnh minh họa: NLĐ)
+ Bảo vệ tài sản: nếu lũ lên chậm, hãy di chuyển đồ vật có giá trị, vật dụng nguy hiểm (thuốc trừ sâu, dầu, sơn…) đến nơi cao hơn; buộc bàn ghế, tủ và các vật có thể di động khác vào vị trí cố định.
+ Dùng bao cát che chắn để bảo vệ nhà cửa – thực tế, điều này mất rất nhiều thời gian.
+ Hãy chủ động ngắt mạch điện, cầu dao trong gia đình.
Trong lũ
+ Nếu bạn mắc kẹt trong nhà của mình khi lũ lên, hãy tìm vị trí cao nhất trong nhà để trú ẩn.
+ Trong trường hợp phát hiện tia lửa điện hoặc tiếng điện chập, hãy tránh xa nhất có thể, đặc biệt là cách ly cơ thể với nước trong lúc này.
+ Đừng cố gắng đi bộ hay bơi qua dòng nước chảy. Nếu nước chảy trên mắt cá chân hãy quay lại và đi bằng cách khác bởi chỉ cần bạn lội trong dòng nước chảy sâu khoảng 15 cm – bạn có thể bị nước làm té ngã.
Để trẻ chơi đùa trong lũ vô cùng nguy hiểm (Ảnh minh họa: Doãn Hòa/TTO)
+ Không bao giờ cho phép trẻ em chơi nước xung quanh cống thoát nước mưa, lạch hoặc sông.
+ Nếu ai đó rơi hoặc bị mắc kẹt trong nước lũ thì hãy dùng vật dụng nổi nào đó để ném cho họ (lốp xe, can nhựa…) để giúp họ nổi.
+ Nếu buộc phải lái xe đi khi lũ đang lên, hãy nhớ đổ đầy bình xăng, tránh xa đường có cột điện bị đổ, cẩn thận khi chạy xe ban đêm. Nếu xe chết máy, hãy bỏ xe lại và chạy đến vị trí cao hơn.
+ Không lái xe vào đường bị ngập lụt sâu hoặc xung quanh chướng ngại vật ngập nước bởi nước có thể sâu hơn bạn nhìn thấy và ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm (các vật sắc nhọn, dây điện, hóa chất…).
Thực tế, ngay cả một chiếc ô tô chạy trong nước chảy xiết cũng có thể bị cuốn đi trong một vài giây. Theo floodsafety, dòng nước cao 30 cm có thể làm nổi một chiếc xe ô tô nhỏ và dòng nước 45 cm chảy mạnh cũng có thể cuốn các loại xe lớn – hãy nhớ điều này.
Sau lũ
+ Khi nước lũ rút đi, cần cẩn trọng vì nước lũ thường để lại nguy cơ ô nhiễm nước thải hoặc nhiễm hóa chất, dây điện bị đứt – tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mà không thể thấy bằng mắt thường.
+ Nếu từ nơi sơ tán về, hãy thận trọng khi bước vào nhà và cần kiểm tra các bức tường, sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ, trần nhà xem có nguy cơ sụp đổ hay không.
+ Hãy sử dụng ủng cao su khi dọn dẹp vì bị mảnh vỡ cứa đứt chân là một trong những tai nạn thường gặp sau khi lũ lụt.
+ Xử lý nước để đảm bảo an toàn trước khi ăn, uống. Có thể đun sôi trong 10 phút hoặc sử dụng các loại chất hóa học làm sạch nước như clo, i-ốt để diệt khuẩn hoặc dùng phèn chua để làm sạch nước giếng, giếng khoan.
+ Vứt bỏ thuốc, thực phẩm đã từng tiếp xúc với nước lũ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng vẫn tiếp tục diễn ra tại các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) với độ sâu ngập từ 1,0-2,5m.
Trong khi đó, cơn bão Sarika trên biển Đông với cường độ hiện cấp 12-13, giật 15-16 diễn biến phức tạp có thể gây ra đợt mưa lớn và lặp lại đợt mưa lũ lớn cho các tỉnh miền Trung, thậm chí còn gây mưa trái mùa ở đồng bằng Bắc Bộ. Người dân trong khu vực và các khu vực lân cận cần chủ động đề phòng để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.