Chờ...

Trường nào giảng dạy trí tuệ nhận tạo ứng dụng trong công nghiệp?

(VOH) - Sáng 25/7, trường Đại học Hoa Sen tổ chức Tọa đàm Nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ xây dựng và vận hành đô thị sáng tạo.

Không chỉ là sự kiện công nghệ được kỳ vọng mở ra nhiều hướng đi mới trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong vận hành các khu đô thị thông minh trong tương lai của thành phố, buổi tọa đàm còn là kênh thông tin kết nối hơn 200 doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin trước bài toán thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trước Cách mạng công nghệ 4.0. 

Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc TMA Innovation Center, trước đây, doanh nghiệp rất gian nan đi tìm nhân lực phục vụ cho các công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo. “Cách đây 5, 6 năm, rất ít trường đào tạo ngành này, giờ thì bắt đầu có nhiều trường đào tạo. Nguồn nhân lực chủ yếu là do anh em tự học, hoặc học ở nước ngoài về nên số lượng ít. Khi anh em không được đào tạo bài bản thì họ không có chiều sâu, thành ra dù biết sử dụng công nghệ nhưng không hiểu về công nghệ. Khi đó, công ty tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Sau này, mình hợp tác với nhiều trường đại học đào tạo về trí tuệ nhân tạo ngay từ giai đoạn thực tập, giai đoạn làm đồ án, hướng dẫn luận văn”, ông Hồng nói.

Vận hành đô thị sáng tạo: Không thể thiếu nhân lực trí tuệ nhân tạo

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.

Định hướng phát triển đô thị sáng tạo của thành phố đặt ra cơ hội lẫn thách thức đối với các trường đào tạo về khoa học – kỹ thuật – công nghệ, nhất là các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Nắm bắt định hướng trên, một số trường đại học đã bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Đơn cử như trường Đại học Hoa Sen, lần đầu tiên đưa vào giảng dạy chương trình Trí tuệ nhân tạo ứng dụng theo hướng công nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Tường Thụy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho hay hiện trường đào tạo các ngành về công nghệ thông tin, mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm. Tuy nhiên, đó là nền tảng chung cho sinh viên. Vấn đề người học tiếp cận các công nghệ mới như thế nào, trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ mới, bên cạnh IOT, blockchain… Do đó, trường đưa vào chuyên ngành mới là ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thật ra, những gì gọi là trí tuệ nhân tạo đã có từ lâu, từ nền tảng Toán học, Công nghệ thông tin…tuy nhiên, AI nổi bật trong giai đoạn hiện nay vì tính ứng dụng trong thực tiễn.

Khái niệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn khá mới tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, vì vậy, cần nhiều kênh kết nối giữa các doanh nghiệp và trường đại học để cùng chia sẻ, thảo luận và tìm ra những hướng đi thích hợp trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để triển khai và vận hành mô hình đô thị thông minh.