Các nhà khoa học từ 2 cơ sở nghiên cứu của Mỹ là Đại học Bang Pennsylvania và Viện SETI (viện nghiên cứu trí thông minh ngoài Trái Đất) đã tìm ra cách mới để dò tìm tín hiệu từ các nền văn minh ngoài hành tinh trong tương lai, theo Sci-News.
Tạp chí khoa học Astronomical Journal vừa đăng tải bài viết về thử nghiệm của kỹ thuật mới này.
Các nhà khoa học đã cho Mảng kính thiên văn Allen quét liên tục 28 giờ hệ sao nổi tiếng TRAPPIST-1 theo phương pháp mới.
Họ đã tìm kiếm trên một dải tần số rộng, dò các tín hiệu băng hẹp, được coi là dấu hiệu có thể đến từ công nghệ của người ngoài hành tinh.
Trong số đó chọn ra 11.000 tín hiệu tiềm năng nhất để đi đến bước phân tích thứ hai. Ở bước này, các nhà nghiên cứu tập trung vào một hiện tượng gọi là sự che khuất giữa các hành tinh, xảy ra khi một hành tinh di chuyển trước một hành tinh khác.
Nếu sự sống thông minh tồn tại trong hệ sao đó, sự gián đoạn trong tín hiệu vô tuyến được gửi giữa các hành tinh có thể bị phát hiện từ Trái Đất.
Cuối cùng, 2.264 tín hiệu có thể chỉ ra sự che khuất giữa các hành tinh đã được gạn lọc. Tuy vậy trong lần tìm kiếm này, không có tín hiệu nào được xác định là có nguồn gốc từ người ngoài hành tinh.
Dù thế, các nhà nghiên cứu tin rằng điều quan trọng nhất là họ đã tìm ra một phương pháp, một hướng đi phù hợp cho cuộc săn tìm các nền văn minh ngoài hành tinh.
Họ đã dự đoán được khả năng thất bại trước hệ sao TRAPPIST-1.
TRAPPIST-1 nằm cách Trái Đất 38,8 năm ánh sáng, gồm 7 hành tinh quay quanh một ngôi sao lùn cực lạnh.
Điều thú vị là bất cứ hành tinh nào trong hệ này cũng có một số đặc điểm tương đồng với Trái Đất, thậm chí có cái gần giống về kích cỡ lẫn môi trường.
Nhưng vẫn còn một số cản trở: Bức xạ từ ngôi sao mẹ có thể quá cao, một số hành tinh bị khóa thủy triều với sao mẹ, một số cái khác thì có quá nhiều nước.