Con người thường có xu hướng ít hòa đồng hơn khi về già, và giờ đây, các nhà nghiên cứu cho biết điều này không chỉ giới hạn ở loài người. Nhiều loài động vật cũng thể hiện hành vi tương tự, đặc điểm này đôi khi còn mang lại lợi ích cho chúng.
Sau khi nghiên cứu nhiều loài động vật từ loài hươu hoang dã đến các loài côn trùng, loài khỉ và chim, các chuyên gia đã đưa ra những phát hiện mới về mối quan hệ giữa tuổi tác và sự kết nối xã hội của chúng.
Tiến sĩ Josh Firth từ Đại học Leeds (Anh) cho biết, có một xu hướng chung khi các cá thể trở nên ít hòa đồng hơn khi càng lớn tuổi.
Ông cho biết, các cá thể lớn tuổi có thể ít gắn kết xã hội hơn vì chúng không còn cần chia sẻ thông tin như những cá thể trẻ. Điều này cũng giúp chúng tránh được các bệnh nhiễm trùng, khi hệ miễn dịch của chúng yếu dần theo tuổi tác.
Ông Firth bổ sung rằng, nghiên cứu đã xem xét các nguyên nhân và hệ quả có thể có và chỉ ra rằng, xu hướng này không chỉ có mặt tiêu cực mà còn mang lại lợi ích nhất định.
Ông Firth cho biết, nghiên cứu cách động vật thay đổi hành vi xã hội khi chúng già đi mang lại nhiều lợi ích, vì các nhà khoa học có thể theo dõi động vật suốt vòng đời và thực hiện các thí nghiệm, điều mà khó thực hiện ở con người.
Trong một nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của hơn 150 loài khác nhau và nhận thấy rằng, những loài có tính xã hội cao thường sống lâu hơn, có thời gian sinh sản kéo dài hơn và khoảng thời gian thế hệ dài hơn.
Ở một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu về loài sẻ nhà trong 6 năm. Họ phát hiện rằng, những con chim lớn tuổi thường có vòng kết nối xã hội nhỏ hơn và ít gắn kết hơn, có thể do các cá thể đồng tuổi dần qua đời khi chúng già đi.
Mặc dù việc giảm giao tiếp xã hội thường bị xem là tiêu cực, ít nhất đối với con người, nhưng cũng có thể mang lại một số lợi ích.
Một nghiên cứu dựa trên quan sát tương tác xã hội của loài khỉ vàng (Rhesus Macaque) cho thấy, các cá thể khỉ lớn tuổi có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh đặc biệt nghiêm trọng bằng cách giảm bớt kết nối trong mạng lưới xã hội của chúng.
Một nghiên cứu khác, do ông Firth là đồng tác giả, đã xem xét các ca nhiễm ký sinh trùng giun tròn ở những con hươu đỏ cái trưởng thành sống hoang dã. Nghiên cứu này cũng đưa ra kết luận rằng, nguy cơ nhiễm giun tròn tăng lên theo tuổi tác của cá thể, nhưng chúng có thể giảm thiểu bằng cách hạn chế tiếp xúc với quá nhiều cá thể khác.