Nghiên cứu mới về xương cổ đại làm sáng tỏ nguồn gốc bệnh giang mai

VOH - Một nghiên cứu đã phát hiện các hóa thạch 9.000 năm tuổi ở châu Mỹ chứa gen của vi khuẩn gây bệnh giang mai, giúp làm sáng tỏ cuộc tranh luận về nguồn gốc của căn bệnh này.

Sau khi vua Charles VIII của Pháp xâm lược Ý vào năm 1494, một căn bệnh lạ bùng phát trong các trại lính và lan rộng khắp châu Âu. Đây được coi là tài liệu đầu tiên về bệnh giang mai.

Tuy nhiên, nguồn gốc căn bệnh vẫn gây tranh cãi, có giả thuyết rằng nó xuất phát từ châu Mỹ do Christopher Columbus mang về, trong khi ý kiến khác cho rằng nó đã tồn tại ở châu Âu trước đó.

Giờ đây, ADN cổ đại được phục hồi từ các bộ xương ở châu Mỹ, có niên đại trước chuyến đi của Columbus, đã tiết lộ gen của vi khuẩn cùng họ với vi khuẩn gây bệnh giang mai, cho thấy căn bệnh này có nguồn gốc từ châu Mỹ.

goc benh giang mai (1)

Xương chậu có chứa dấu vết của vi khuẩn gây bệnh giang mai. - Ảnh: The Guardian.

Giang mai là một bệnh trong nhóm bệnh nhỏ gồm bệnh yaws và bệnh bejel. Trong khi giang mai xuất hiện khắp nơi trên thế giới, bệnh yaws và bệnh bejel chủ yếu xuất hiện ở các vùng xích đạo. Cả ba căn bệnh này đều do các chủng vi khuẩn Treponema pallidum gây ra.

Tiến sĩ Kirsten Bos, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nhân học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức, cho biết, nhóm nghiên cứu đã tái tạo 5 bộ gen từ các bộ xương, xác định chúng là nhánh chị em của các chủng vi khuẩn hiện nay và tất cả đều có nguồn gốc từ châu Mỹ.

Trong nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Nature, Tiến sĩ Bos và các đồng nghiệp mô tả cách họ đã trích xuất và tái tạo ADN của vi khuẩn T. pallidum từ các bộ xương còn lại, bao gồm một xương chậu từ Argentina, một xương chân dưới từ Chile, xương chân trên và dưới từ Mexico và một chiếc răng từ Peru.

Tiến sĩ Bos cho biết, nhờ phương pháp đo tuổi bằng cacbon phóng xạ, các nhà nghiên cứu đã truy vết các chủng vi khuẩn về một tổ tiên chung sống cách đây không quá 9.000 năm, thời điểm con người đã có mặt ở châu Mỹ và sống cách biệt với các quần thể ở các khu vực khác.

Phát hiện này gợi ý rằng, bệnh giang mai và các họ hàng của nó có nguồn gốc từ châu Mỹ, nhưng đã lan rộng toàn cầu qua nạn buôn người và sự bành trướng của châu Âu trên khắp châu Mỹ và châu Phi trong những thập kỷ và thế kỷ sau dịch bệnh đầu tiên.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Bos cho rằng, nghiên cứu chưa thể giải quyết bí ẩn này do còn nhiều câu hỏi cần lời giải. Bà cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với nguồn dữ liệu hạn chế và đang cố gắng phân tích chúng toàn diện, nhưng câu chuyện này chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục được tranh luận”.

Bình luận