Đây là chương trình hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển và ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, giúp quản lý vi nhựa trong môi trường biển, tái chế nhựa thành vật liệu có giá trị, góp phần vào phát triển bền vững.
Công nghệ bức xạ được áp dụng trong quá trình tái chế, giúp chuyển đổi nhựa chất lượng thấp thành các sản phẩm mới có thể sử dụng lại. Cụ thể, quá trình bức xạ giúp phân rã các polymer nhựa, kéo dài vòng đời sử dụng và giảm thiểu lượng rác thải thải ra môi trường.
Ở nhiều quốc gia châu Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, và Thái Lan, IAEA đã tiến hành các dự án thí điểm nhằm thúc đẩy tái chế polymer, nâng cao khả năng tái sử dụng và hỗ trợ sản xuất hàng công nghiệp từ nhựa tái chế.
Ngoài ra, NUTEC Plastics cũng hỗ trợ giám sát vi nhựa trong đại dương bằng kỹ thuật đồng vị phóng xạ, cung cấp dữ liệu về mức độ ô nhiễm nhựa biển và giúp định hướng chính sách.
Các phòng thí nghiệm tại 39 quốc gia trên toàn thế giới đã được thiết lập để tiêu chuẩn hóa quy trình thu thập và phân tích mẫu, đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu để giải quyết thách thức về vi nhựa một cách toàn diện.
Việt Nam đã tích cực tham gia vào chương trình NUTEC Plastics thông qua các dự án hợp tác về giám sát ô nhiễm nhựa trong môi trường biển, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vào xử lý rác thải nhựa, NUTEC Plastics không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn chuyển hóa rác thải thành tài nguyên, tạo nền tảng cho một nền kinh tế tuần hoàn và bền vững.