Phát hiện dấu vết đầu tiên của hệ sinh thái hóa thạch tiền sử ở dãy Alps, Ý

Ý - Tuyết và băng tan đã hé lộ dấu chân của các loài bò sát và lưỡng cư có niên đại 280 triệu năm, tin từ The Guardian.

Một người đi bộ leo núi ở dãy núi Alps phía bắc nước Ý đã tình cờ phát hiện dấu vết đầu tiên của một hệ sinh thái tiền sử, bao gồm những dấu chân được bảo tồn tốt của các loài bò sát và lưỡng cư, nhờ băng tuyết tan chảy do cuộc khủng hoảng khí hậu

Phát hiện được gọi là “Tảng đá số Không”, nằm ở dãy núi Valtellina Orobie ở Lombardy, chứa các dấu tích từ thời kỳ Permi, giai đoạn ngay trước thời kỳ khủng long, khoảng 280 triệu năm trước.

Tang da so 0 (1)

Dấu chân của các loài lưỡng cư và bò sát sống ở thời đại ngay trước khủng long xuất hiện do băng tan. - Ảnh: The Guardian.

Bà Claudia Steffensen, sống tại Lovero, một ngôi làng thuộc tỉnh Sondrio, cùng chồng đang đi dọc con đường mòn đầy đá ở thung lũng Ambria gần biên giới Thụy Sĩ, thì bà đặt chân lên một tảng đá màu xám nhạt phủ đầy “những hoa văn kỳ lạ”.

Bà Steffensen cho biết: “Đó là một ngày rất nóng vào mùa hè năm ngoái, và chúng tôi muốn lên núi để tránh nóng. Trên đường xuống núi, chúng tôi phải bước đi rất cẩn thận. Chồng tôi đi phía trước, nhìn thẳng về phía trước, trong khi tôi nhìn xuống chân mình. Tôi đặt chân lên một tảng đá trông rất lạ, vì trông như một mảng bê tông. Sau đó, tôi nhận thấy những hoa văn tròn với các đường lượn sóng. Khi nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra đó là dấu chân.”

Bà Steffensen chụp ảnh và gửi cho bạn của bà là Elio Della Ferrera, một nhiếp ảnh gia chuyên về thế giới tự nhiên. Sau đó, ông Della Ferrera đã chuyển bức ảnh cho ông Cristiano Dal Sasso, nhà cổ sinh vật học tại bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Milan, và ông đã tham vấn thêm với các chuyên gia khác.

Dấu chân, được tìm thấy ở độ cao 1.700 mét so với mực nước biển, hóa ra là của một loài bò sát thời tiền sử.

Các chuyên gia đã lập bản đồ khu vực công viên thiên nhiên Valtellina Orobie và tiến hành nghiên cứu tại hiện trường.

Sau các chuyến thăm đến hiện trường từ mùa hè năm 2023, họ đã phát hiện hàng trăm dấu chân hóa thạch khác của các loài bò sát, lưỡng cư và côn trùng, nhiều dấu chân vẫn sắp xếp thành các “đường mòn”. Những dấu vết này được cho là thuộc về ít nhất năm loài động vật khác nhau.

Ông Dal Sasso cho biết: “Khủng long chưa tồn tại vào thời điểm đó, nhưng các loài để lại dấu chân lớn nhất vẫn có kích thước đáng kể, dài tới 2-3 mét.”

Ông Lorenzo Marchetti, một chuyên gia về hóa thạch dấu vết tại bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Berlin, cho biết, sự bảo tồn dấu chân tốt đến mức chúng hiển thị các chi tiết “ấn tượng” như “dấu vết móng và da bụng của một số loài động vật”, bao gồm dấu chân của một loài bò sát giống cá sấu được tìm thấy ở độ cao 2.200 mét tại Altopiano della Gardetta, thuộc tỉnh Cuneo ở Piedmont.

Hệ sinh thái này cũng hé lộ những mảnh hóa thạch của thực vật, hạt giống và thậm chí cả dấu vết của các giọt mưa.

Một số di vật gần đây đã được mang đến Milan và trưng bày tại bảo tàng lịch sử tự nhiên, và việc nghiên cứu tại hiện trường vẫn sẽ tiếp tục.

Bình luận