Có ít nhất 17 loài thú hoang dã khác nhau được ghi nhận qua bẫy ảnh. Đặc biệt, có loài Mang lớn được Sách đỏ Việt Nam (2007) xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng ở mức nguy cấp, trong khi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp.
Đây là kết quả khảo sát mà trường Đại học Nông Lâm TPHCM thu thập được thông qua phương pháp đặt bẫy ảnh trong lâm phần Vườn quốc gia Chư Yang Sin từ ngày 19/12/2020 - 3/2/2021.
Sau 47 ngày triển khai thực hiện với 101 thiết bị bẫy ảnh được đặt theo tuyến để ghi lại hình ảnh của các loài ngoài tự nhiên, nhóm nghiên cứu của trường đã thu thập và trích xuất dữ liệu và phát hiện ra nhiều loài chim và thú kiếm ăn trên mặt đất.
Bên cạnh loài Mang lớn, còn có Cầy vòi mốc, Khỉ đuôi lợn, Sơn dương, Gà tiền mặt đỏ đặc hữu Đông Dương, Khứu đầu đen, Gà lôi trắng, Gà so họng trắng…
Dù nỗ lực khảo sát chỉ tập trung vào một khu vực nhỏ với thời gian khảo sát ngắn, (trong phạm vi khoảng 268m ở gần Ngã ba suối Ep pe), song qua những tư liệu, hình ảnh thu thập được, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Nông Lâm TPHCM nhận thấy tính đa dạng sinh học cao ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Từ đó, nhóm cũng đề xuất địa phương cần thiết phải gia tăng các biện pháp bảo vệ; Đánh giá lại một cách cụ thể, chính xác kích thước của quần thể, sinh thái và các mối nguy cơ đe dọa tới sự tồn tại của loài Mang lớn.
Đặc biệt, theo nhóm nghiên cứu, bẫy dây phanh mà những người săn bắt trái phép đang áp dụng hiện nay có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng của quần thể Mang lớn ở đây. Chính vì vậy, trường Đại học Nông Lâm TPHCM cũng đề xuất địa phương cần tăng cường nỗ lực tuần tra kiểm soát rừng để bảo vệ tốt nhất loài Mang lớn và các loài chim, thú quý hiếm khác được ghi nhận ở đây.
Hiện nay, Mang lớn là loài thú móng guốc đặc hữu Đông Dương, được công bố là là loài mới cho khoa học vào năm 1994. Mang lớn được phát hiện lần đầu tại VQG Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đó đến nay, ở Việt Nam, chỉ có một số ít ghi nhận hình ảnh của Mang lớn bằng bẫy ảnh (IUCN 2021).
Lần đầu tiên Mang lớn được ghi nhận ở VQG Chư Yang Sin là vào năm 2010.
Theo nhóm nghiên cứu, sự gián đoạn của các ghi nhận về loài Mang lớn ở Chư Yang Sin có thể do thiếu vắng các nỗ lực khảo sát phù hợp, hoặc do tác động từ hoạt động săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Tuy chỉ có một cá thể được ghi nhận trong khảo sát, thêm vào đó, cá thể này lại chưa trưởng thành, song có thể cho thấy rằng quần thể Mang lớn ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin vẫn còn khả năng sinh sản và có nhiều hơn một cá thể.