Chờ...

Tàu thăm dò Trung Quốc chuẩn bị mang mẫu vật từ Mặt Trăng trở về

(VOH) – Phi đội mặt đất của Trung Quốc chuẩn bị đón sự trở về của một tàu thăm dò Mặt trăng mang về những mẫu đá và mảnh vỡ đầu tiên từ hành tinh này sau hơn 45 năm.

Tàu thăm dò Chang’e dự kiến sẽ hạ cánh xuống quận Siziwang của vùng Nội Mông rộng lớn vào cuối ngày thứ Tư hoặc đầu thứ Năm. Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết nó đã khai hỏa động cơ vào đầu ngày thứ Tư để đưa nó vào hoạt động trước khi tàu quỹ đạo tách khỏi con tàu để nó quay trở lại.

Tàu thăm dò Chang'e 5 của Trung Quốc rời Mặt Trăng và sắp đáp xuống cùng các mẫu vật. Nguồn: AP

Truyền thông nhà nước cho biết việc quay trở về sẽ gặp phức tạp do kích thước tàu nhỏ cùng với điều kiện trời tối và tuyết dày. Các kế hoạch kêu gọi con tàu khi quay trở về thực hiện một cú nhảy trong khí quyển Trái đất để giảm tốc trước khi xuyên qua nó và đáp xuống gây khó khăn cho việc tính toán chính xác nơi mà nó sẽ hạ cánh, Tân Hoa Xã dẫn lời một thành viên của đội đón tiếp tàu thăm dò.

Truyền hình quốc gia CCTV chiếu hình ảnh bốn chiếc trực thăng quân đội đang trong trạng thái sẵn sàng lúc sáng thứ Tư tại một căn cứ trên một vùng đồng cỏ phủ đầy tuyết. Các đội nhóm trên các phương tiện trên mặt đất cũng chờ đợi tín hiệu hỗ trợ. Khu vực này tương đối quen thuộc vì thường được sử dụng làm bãi đáp cho các tàu vũ trụ Thần Châu của Trung Quốc.

Tàu Chang’e 5 đã đáp xuống Mặt trăng vào ngày 1/12 và thu thập gần 2kg mẫu vật trên bề mặt Mặt trăng qua việc vớt trên bề mặt và khoan sâu vào dưới lớp vỏ Mặt trăng 2m. Các mẫu vật được chuyển vào các container được khóa kín.

Sự trở lại của con tàu vũ trụ sẽ đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học thu được mẫu đá Mặt Trăng mới kể từ sau nhiệm vụ của tàu thăm dò robot Luna 24 của Liên Xô cũ vào năm 1976.

Tàu thăm dò Chang’e 5 rời khỏi bệ phóng tại tỉnh Hải Nam thuộc miền nam Trung Quốc vào ngày 23/11, cho một nhiệm vụ dự kiến kéo dài 23 ngày.

Nó đánh dấu lần thành công thứ 3 của Trung Quốc trong việc đáp xuống Mặt Trăng nhưng là nhiệm vụ duy nhất cất cánh khỏi đó. Con tàu Chang’e 4 trước đó, đã là tàu thăm dò đầu tiên tiếp cận vùng xa ít được khám phá của Mặt Trăng và vẫn tiếp tục duy trì gửi các dữ liệu về các điều kiện có thể ảnh hưởng đến việc sinh sống của con người trên hành tinh này.

Mặt Trăng là một trọng tâm đặc biệt của chương trình vũ trụ Trung Quốc, chương trình cho biết họ có kế hoạch đưa con người lên đó và có thể xây dựng một căn cứ lâu dài.

Trung Quốc cũng đã tham gia nỗ lực khám phá sao Hỏa. Vào tháng 7, nó đã phóng tàu thăm dò Tianwen 1, mang theo tàu đổ bộ và tàu thăm dò để tìm kiếm sự tồn tại của nguồn nước.

Chương trình không gian của Trung Quốc đã tiến hành một cách thận trọng hơn sau khi chứng kiến hàng loạt thất bại từ cuộc chạy đua vươn ra không gian giữa Mỹ và Liên Xô cũ trong những năm 1960, ghi dấu với những lần phóng thất bại cũng như những trường hợp có tai nạn chết người.

Năm 2003, Trung Quốc trở thành nước thứ ba đưa phi hành gia lên quỹ đạo sau Liên Xô và Mỹ.

Chuyến bay mới nhất này bao gồm một kế hoạch hợp tác với Cơ quan Không gian Châu Âu với vai trò giám sát sứ mệnh. Giữa những lo ngại về tính bí mật của chương trình không gian của Trung Quốc cùng với sự gắn bó mật thiết với quân đội, Mỹ đã ngăn cấm sự hợp tác giữa NASA và CNSA trừ khi Quốc hội chấp thuận. Điều đó đã ngăn cản Trung Quốc tham gia vào Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), và đã tìm cách bù đắp bằng việc phóng một trạm vũ trụ thử nghiệm và có kế hoạch hoàn thành một tiền đồn quỹ đạo cố định trong vòng hai năm tới.

Những tảng đá và mảnh vỡ do Chang’e 5 mang về được cho là có độ tuổi nhỏ hơn hàng tỷ năm so với những khối đá mà Mỹ và Liên Xô cũ thu được, mang đến những hiểu biết mới về lịch sử của Mặt Trăng và các thiên thể khác trong hệ mặt trời.

Chúng đến từ một phần của Mặt Trăng được gọi là Oceanus Procellarum, hay Ocean of Storms, gần một địa điểm được gọi là Mons Rumker được cho là núi lửa trong thời cổ đại.

Cũng như 382 kg mẫu đất đá trên Mặt Trăng do các phi hành gia Mỹ mang về từ năm 1969 đến năm 1972, chúng sẽ được phân tích về tuổi và thành phần và có thể được chia sẻ với các quốc gia khác.