Chờ...

Thái Lan: Công viên “giữ nước” độc đáo tại thành phố Bangkok

(VOH) - Công viên Centenary tại thành phố Bangkok được coi là công trình khởi đầu nhằm giúp thành phố này đối mặt với những bất ổn do biến đổi khí hậu gây ra.

Bangkok - được xây dựng trên vùng đồng bằng châu thổ sông Chao Phraya - rất dễ bị lũ lụt. Năm 2011, lũ lụt kinh hoàng tràn vào thành phố, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Thành phố có gần 11 triệu dân, nằm ở độ cao khoảng 1,5 mét so với mực nước biển này đang dần bị “chìm” do quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh.

Kiến trúc sư Thái Lan Kotchakorn Voraakhom, người sáng lập công ty kiến ​​trúc cảnh quan Land process đã tìm hiểu cách thiết kế ứng phó biến đổi khí hậu và đưa ra giải pháp cho Bangkok – mở đầu bằng Công viên Centenary tại Đại học Chulalongkorn.

Theo CNN, công viên được thiết kế như một ốc đảo xanh để thu nước trên diện tích 4,5 ha. Bên dưới công viên là các bể chưa nước ngầm có thể chứa 160.000 gallon nước. Toàn bộ công viên có thể chứa tới 1 triệu gallon nước (tương đương khoảng 4 triệu lít) vào thời điểm ngập lụt nghiêm trọng.

Công viên Centenary tại Đại học Chulalongkorn
Công viên Centenary tại Đại học Chulalongkorn - Ảnh: LANDPROCESS

Voraakhom nói với New York Times rằng, ý tưởng về công viên bắt nguồn từ "má khỉ". Khỉ dùng má dự trữ thức ăn để ăn khi đói, đó là mục tiêu của công viên đối với nước. Ngoài ra, không gian xanh cũng có thể giúp giảm ô nhiễm không khí và giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

Dù công viên Centenary chỉ là một phần nhỏ của thành phố nhưng Voraakhom cho rằng "đây là một ví dụ về những gì con người có thể làm được” để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công viên Centenary được xây dựng với hệ thống mái nhà xanh được xây nghiêng so với mặt đất một góc 3 độ, giúp nước mưa lưu chuyển qua các khu vườn dốc. Những vùng ngập nước nhân tạo sẽ tiếp nhận xử lý các chất độc hại, rồi mới đổ vào ba bể chứa, trước khi chảy tới các ao. Khi lũ lụt xảy ra, các bể chứa sẽ giữ lượng lớn nước mưa, làm giảm áp lực cho hệ thống thoát nước. 

Dù không thể kiểm soát lũ lụt trên toàn thành phố, nhưng đây có thể coi là giải pháp tiện ích vượt trội mà không gian xanh đem lại và cũng là bước đầu nhằm ứng phó sự bất ổn ngày càng tăng do biến đối khí hậu gây ra.

Đọc thêm: Singapore đang làm gì với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?

Công viên Centenary tại Đại học Chulalongkorn
Công viên được thiết kế để thích ứng với nước chứ không phải chống lại nước. - Ảnh: LANDPROCESS

Công viên Centenary nằm trong khuôn viên trường Đại học Chulalongkorn ở trung tâm Bangkok được thiết kế vượt ra khỏi ranh giới của một công viên khi có đường dành cho người đi bộ và xe đạp mở rộng ra ngoài công viên, nối thẳng các đường chính với lối đi bộ; nước từ các khu vực lân cận cũng có thể được thu nạp thông qua hệ thống lọc của công viên.

công viên
công viên

Các bể chứa được thiết kế khắp công viên, đảm bảo rằng, từng giọt nước rơi xuống đây sẽ được tận dụng, thu gom. - Ảnh: worldlandscapearchitect

Có ba thành phần chính trong hệ thống xử lý nước của công viên: mái nhà xanh, bể chứa nước mưa, vùng đất ngập nước, bãi cỏ giữ nước và ao giữ nước. Nước mưa và nước chảy tràn từ mái nhà xanh ở điểm cao nhất đến hồ chứa ở điểm thấp nhất.

Mái nhà xanh là bể hứng nước được trồng các loại cỏ bản địa và cỏ dại để ít phải bảo trì: các loại cây này có thể chịu được trong cả mùa mưa và nóng cực độ của Thái Lan và chỉ cần tưới ở mức tối thiểu. 

Rễ của những cây này khỏe và giúp hút nước. Nước chảy tràn được lưu trữ trong các bể chứa nước mưa bên dưới mái nhà và chảy tràn ra các vùng đất ngập nước được xây dựng. Vào mùa khô, nước từ các bể chứa được sử dụng để tưới mái nhà khi cần thiết.

Ba bể lớn dưới mái và bảo tàng có thể giữ tới gần 950.000 lít nước chảy xuống từ mái nhà. Vào mùa khô, nước mưa ở các bể này có thể giữ công viên được tưới tiêu đến 20 ngày. “Không có giọt nước nào rơi vào công viên là hoang phí,” Voraakhom nói.

công viên
Công viên Centenary không chỉ là nơi chứa nước mà còn là không gian xanh tuyệt vời cho sinh viên và người dân trong khu vực - Ảnh: worldlandscapearchitect

Bãi cỏ chính của công viên cũng đóng vai trò là khu vực chứa nước để tăng khả năng thấm nước xuống đất, giúp nước chảy tràn dễ dàng thoát ra các khu vực chứa nước. Một bãi cỏ cạnh công viên cũng thu giữ gần 400.000 lít nước mưa.

Các vùng đất ngập nước được xây dựng dọc theo độ dốc của công viên. Nước từ bể chứa nước mưa trên mái nhà xanh và từ bãi cỏ chính của công viên sẽ chảy qua các vùng đất ngập nước để đến một loạt các đập, ao và cuối cùng là hồ chứa lớn (có hệ thống xử lý nước). 

Nước từ hồ chứa cũng được sử dụng cho hệ thống tưới tiêu tại các khu vực thấp hơn của công viên. Ở mỗi cạnh hồ là những thiết kế tương tác đặc biệt dưới dạng xe đạp xử lý nước - nơi du khách có thể đạp xe để tạo chuyển động và đưa thêm oxy vào nước…

Đọc thêm: TPHCM trong top khu vực bị tác động nặng nhất do nước biển dâng

Công viên này cho thầy một tầm nhìn về thành phố nước và cách giải quyết những thách thức về môi trường theo hướng thích ứng với tự nhiên – chứ không phải chống lại sự khắc nghiệt của chúng trong điều kiện khí hậu đang biến đổi phức tạp.

Bangkok là một đô thị phát triển nhanh, nhiều kênh rạch trong quá khứ bị cải tạo thành các tuyến đường; hệ thống nước sinh hoạt và tưới tiêu chủ yếu được khai thác từ các giếng nên lượng nước ngầm giảm dần, đất phía trên lún xuống khiến độ cao Bangkok sụt trung bình một cm mỗi năm.

Đây là một trong những đô thị lớn trên thế giới đối mặt nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao. Mỗi mùa mưa bão, thành phố này thường phải hứng chịu những trận mưa dữ dội, gây ngập lụt trên diện rộng, làm tê liệt hệ thống tiêu thoát nước và thậm chí cuốn trôi cả nhà cửa của người dân.