Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Việc dùng viết tắt trong tin nhắn có thể khiến người đọc thấy thiếu chân thành

ANH - Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, những người thường dùng viết tắt trong tin nhắn ít có khả năng nhận được phản hồi, tin từ The Guardian.

Theo kết quả phân tích của các nhà tâm lý học, việc sử dụng quá nhiều từ viết tắt trong tin nhắn có thể mang lại hiệu ứng không mong muốn, dễ tạo cảm giác "không quan tâm lắm" hơn là "yêu thương" cho người nhận.

Sau khi phân tích dữ liệu từ hơn 5.000 người qua tám nghiên cứu, các nhà tâm lý học nhận thấy rằng, những ai thường dùng viết tắt trong tin nhắn thường bị đánh giá là kém chân thành hơn và ít nhận được phản hồi hơn.

viet tat trong tin nhan (1)

Các nhà tâm lý học đã phân tích các tin nhắn từ hơn 5.000 người trong tám nghiên cứu. - Ảnh: Shutterstock.

Việc sử dụng viết tắt đã gia tăng mạnh mẽ trong thời đại nhắn tin kỹ thuật số và trở thành mặc định cho giao tiếp nhanh chóng trong các nhóm bạn thân thiết. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy một dòng “hru?” gửi vội có thể không chân thành bằng khi viết đầy đủ “How are you?” (Bạn có khỏe không?).

Nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm, cho biết, dù viết tắt giúp tiết kiệm thời gian và công sức, chúng cũng có thể cản trở giao tiếp hiệu quả và ảnh hưởng tiêu cực đến cách người khác nhìn nhận.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ David Fang từ Đại học Stanford cùng các đồng nghiệp ở Đại học Toronto đã thực hiện các nghiên cứu nhằm khám phá tác động của việc sử dụng viết tắt trong các tình huống nhắn tin khác nhau.

Ban đầu, họ yêu cầu người tham gia đánh giá mức độ chân thành của các tin nhắn có và không có viết tắt, cũng như khả năng họ sẽ phản hồi lại. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu phân tích tin nhắn trên nền tảng Discord, trong một thử nghiệm hẹn hò trực tuyến và trên ứng dụng Tinder.

Kết quả cho thấy, những người sử dụng viết tắt thường nhận được ít phản hồi hơn so với những người viết đầy đủ từ, và các phản hồi thường ngắn hơn. Dù người trẻ có xu hướng dùng viết tắt nhiều hơn, hiệu ứng tiêu cực này vẫn tồn tại.

Các tác giả cho biết, việc viết tắt khiến người gửi trông có vẻ kém chân thành và người nhận ít có khả năng phản hồi, vì việc viết tắt cho thấy người gửi ít nỗ lực hơn.

Dù nghiên cứu dựa trên dữ liệu thực tế, một số nhà tâm lý học khác vẫn đặt câu hỏi liệu việc sử dụng viết tắt trong tin nhắn có thực sự gây ra vấn đề đến vậy không.

Tiến sĩ Christopher Hand, nhà tâm lý học tại Đại học Glasgow, cho rằng, yếu tố quyết định việc sử dụng viết tắt phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người gửi và người nhận, cũng như bối cảnh cuộc trò chuyện. Việc sử dụng viết tắt có thể người gửi đang vội hoặc tránh dùng từ ngữ nhạy cảm.

Ông nhận xét rằng, mọi người thường chọn phong cách giao tiếp phù hợp dựa trên đối tượng và mục đích cuộc trò chuyện, như thân mật, chuyên nghiệp hay lãng mạn. Với các hình thức như ghi chú giọng nói, emoji, ảnh gif và meme có thể mang lại tác động mạnh mẽ hơn so với chỉ văn bản.

Bình luận