Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học công nghệ nano Small vào tháng 8.
Các nhà nghiên cứu từ Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã phát triển một loại hạt nano có khả năng chẩn đoán sự tích tụ mảng bám trong động mạch, còn gọi là xơ vữa động mạch, cũng như nhắm vào các mảng xơ vữa động mạch để cung cấp các chất điều trị.
Nghiên cứu đa ngành này được thực hiện với sự hợp tác của Phó Giáo sư James Kah và Giáo sư Liu Bin từ Trường Thiết kế và Kỹ thuật thuộc NUS, cùng Giáo sư Liu Xiaogang từ Khoa Khoa học của NUS.
Hạt nano là một loại vật liệu có đường kính từ 1 đến 100 nanomet, có kích thước nhỏ hơn một phần nghìn milimet.
Các hạt nano mới này phân hủy trong môi trường axit của mảng xơ vữa và giải phóng gadolinium, một chất hoạt động như chất tương phản, giúp cải thiện hình ảnh trong chụp cộng hưởng từ (MRI), cho phép ta quan sát trực tiếp mức độ nghiêm trọng của mảng bám theo thời gian thực.
Ngoài ra, các hạt siêu nhỏ này có khả năng đồng thời cung cấp simvastatin, một loại thuốc chống viêm giúp ổn định và điều trị mảng bám, từ đó giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch.
Phó Giáo sư Wang Jiong-Wei, trưởng nhóm nghiên cứu, so sánh các hạt nano này như những “phương tiện vận chuyển”, có thể đưa cả tác nhân hình ảnh và chất điều trị đến thẳng các mảng xơ vữa.
Điều này có thể giúp bệnh nhân không cần phải đến gặp nhiều chuyên gia để chẩn đoán và điều trị, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ông Wang cho biết, thuốc trong hạt nano sẽ không ảnh hưởng đến những bệnh nhân đã cải thiện tình trạng sức khỏe, vì các hạt nano sẽ tự phân hủy hoặc được đào thải ra khỏi cơ thể an toàn trong vài ngày.
“Nếu không có tình trạng viêm hay mảng bám nào trên mạch máu, các hạt nano sẽ chỉ đi qua. Đó là ưu điểm lớn của công nghệ nano.”, ông nói.
Dù mới ở giai đoạn nghiên cứu cơ bản, ông Wang hy vọng sẽ đưa hạt nano vào thử nghiệm lâm sàng trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Ông hy vọng rằng, trong tương lai, các hạt này có thể mang thêm nhiều thành phần khác để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý khác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh xơ vữa động mạch, gây thu hẹp các động mạch, là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh tim mạch và gây ra hơn 17 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.
Các bệnh tim mạch cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Singapore, chiếm 31% số ca tử vong trong năm 2022.