Ăn cay có thể giảm 14% nguy cơ tử vong?

VOH - Đồ uống có đá lạnh giúp giảm cay miệng nhanh chóng và hiệu quả nhưng có hại cho đường tiêu hóa.

Thời tiết se se lạnh, nhiều người rất thích ăn món lẩu, đặc biệt là món lẩu cay. Nó đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người trên bàn ăn trong ngày lạnh.

Bác sĩ Tiêu hóa - Gan mật cho biết, món lẩu cay có thể đẩy lùi cảm lạnh và làm ấm dạ dày nhờ vị cay nồng trong nước lẩu, nhưng độ cay, dầu béo và vị nồng của nó lại cao sẽ gây ra hàng loạt ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của con người.

lau-cay
Lẩu hai ngăn uyên ương một bên nước lẩu tê cay, một bên hương vị thanh đạm sẽ giúp vị giác được cân bằng làm cho ăn ngon miệng hơn - Ảnh: TVBS

Thỉnh thoảng ăn cay có làm giảm nguy cơ tử vong không?

Trần  Bá Ngạn, bác sĩ Tiêu hóa - Gan mật nổi tiếng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, trong những năm gần đây, nhiều người trên mạng internet đều kháo nhau rằng thỉnh thoảng ăn đồ cay sẽ tốt cho sức khỏe. Ví dụ, một nhóm nghiên cứu người Ý đã công bố một nghiên cứu vào năm 2019 theo dõi khoảng 23.000 người trưởng thành và chỉ ra rằng, trong các điều kiện tương tự như cân nặng, huyết áp và các tình trạng tim mạch khác, những người ăn đồ cay thường xuyên (bốn lần một tuần) có tỷ lệ tử vong thấp hơn những người không ăn đồ cay.

Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, ăn đồ cay ba lần một tuần có thể giảm 14% nguy cơ tử vong. Bác sĩ Trần  Bá Ngạn cho biết, mặc dù thỉnh thoảng ăn đồ cay có thể thúc đẩy tuần hoàn và không gây hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua rằng lẩu cay có thể gây khó tiêu, khó chịu ở đường tiêu hóa và thậm chí là các vấn đề nghiêm trọng hơn về đường tiêu hóa. Mọi người nên cẩn thận với lẩu cay có thể gây kích ứng đường tiêu hóa.

Đá lạnh để giảm bớt cay miệng cũng có thể gây hại cho đường tiêu hóa

Bác sĩ Trần Bá Ngạn cho biết, trong thời tiết se lạnh, nhiều người hay nghĩ đến việc ăn lẩu cay cho ấm. Tuy nhiên, đồ cay không chỉ có hại cho dạ dày mà việc sử dụng quá nhiều đồ uống có đá lạnh để giảm bớt cay miệng cũng có thể gây hại cho đường tiêu hóa. Do đó, bác sĩ Trần Bá Ngạn chia sẻ những điểm sau đây mà mọi người cần chú ý khi ăn lẩu cay:

1. Ăn uống đúng mức và tránh dùng quá liều

Khi ăn món lẩu cay, mọi người nên chú ý độ cay vừa đủ. Mặc dù thức ăn cay có thể kích thích cảm giác thèm ăn nhưng lượng capsaicin và dầu béo quá nhiều trong món lẩu cay sẽ gây gánh nặng quá mức cho đường tiêu hóa. Vì vậy, mỗi khi ăn lẩu cay, mọi người nên kiểm soát lượng ăn vào và độ cay của nó.

2. Lựa chọn nguyên liệu đa dạng và tăng tỷ lệ rau củ

Lẩu cay thường có nguyên liệu chính là thịt, cho nên mọi người chọn thêm nhiều loại rau giàu chất xơ khi ăn lẩu như bắp cải, rau mồng tơi, giá đỗ, tía tô, các loại nấm, xà lách, rau muống, kinh giới, ngò gai… Rau không chỉ có thể làm tăng sự đa dạng của thực phẩm mà còn giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giảm kích ứng đường tiêu hóa do dầu béo và vị cay nồng trong món lẩu.

3. Dùng thêm nước lẩu thanh đạm hoặc dùng nồi lẩu uyên ương hai ngăn

Để giảm bớt vị cay của nước lẩu cay, mọi người có thể chọn lẩu có vị cay nhẹ, có thể kết hợp nguyên liệu cay với nước lẩu thanh đạm hoặc dùng nồi lẩu uyên ương hai ngăn một bên nước lẩu tê cay, một bên hương vị thanh đạm giúp cân bằng độ cay của nước lẩu để giảm kích ứng đường tiêu hóa. Nước lẩu thanh đạm có vị cay nhẹ sẽ không gây kích thích quá mức đường tiêu hóa. Mọi người cũng nên nhớ trung hòa độ dầu béo của món lẩu cay.

4. Tránh uống đồ uống có đá lạnh

Nhiều người thích uống đồ uống có đá lạnh khi ăn lẩu cay để giảm bớt cay miệng, tuy nhiên cách làm này sẽ gây gánh nặng lớn hơn cho đường tiêu hóa. Đồ uống đá lạnh trái ngược hoàn toàn với nhiệt độ cao của nước lẩu, dễ gây ra co thắt dạ dày hoặc đau bụng. Khi ăn lẩu, mọi người nên chọn nước ấm hoặc trà ấm thay cho đồ uống có đá lạnh, bởi vì đồ uống ấm không chỉ có thể làm giảm bớt tình trạng cay miệng mà còn bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa.

5. Vận động sau bữa ăn để thúc đẩy quá trình tiêu hóa

Sau khi ăn lẩu cay, nên vận động nhẹ nhàng chẳng hạn như đi bộ để thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, không nên nằm hoặc ngồi xuống ngay để tránh ảnh hưởng đến nhu động ruột và khiến tình trạng khó tiêu trở nên trầm trọng hơn.

Bác sĩ Trần Bá Ngạn cho biết, mặc dù lẩu cay là một món ăn ngon nhưng không thể bỏ qua tác động của đặc tính cay và nhiều dầu béo đối với đường tiêu hóa, ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, nên mọi người cần chú ý nhiều hơn khi ăn lẩu cay.

Kết hợp đúng nguyên liệu, kiểm soát được độ cay và tần suất ăn cay, mọi người có thể thưởng thức được món lẩu cay thơm ngon mà vẫn duy trì được đường tiêu hóa khỏe mạnh.

Bình luận