Chờ...

Cấp cứu điện giật: Học cách xử trí không bao giờ thừa!

Điện giật không phải là sự cố thường gặp nhưng không vì thế mà mọi người lại không đề cao cảnh giác. Tự trang bị cho mình những kiến thức sơ cấp cứu điện giật là rất cần thiết cho mọi người, mọi nhà.

Mưa bão là thời điểm rất dễ xảy ra các tai nạn do điện giật, bởi mưa, giông, bão có thể làm đổ cột điện, ngã cây làm đứt dây điện... chẳng may dây điện quăng trúng vào người hoặc các đồ vật dẫn điện, người vô ý chạm vào sẽ bị điện giật.

Bị điện giật gây ra những tổn thương nào?

Tai nạn điện giật có thể khiến cho nạn nhân bị chấn thương, làm tay chân nạn nhân co quắp vì bỏng, ngừng thở, tim ngừng đập. Mặt nạn nhân từ trắng bệch chuyển sang tím và ngất, không bắt được mạch, đồng tử giãn to (nếu tim ngừng đập lâu).

Với nguồn điện cao thế, nạn nhân có thể bị bỏng rất nặng và suy thận, vết bỏng thường không lan rộng, không chảy nước, làm mủ. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Hướng dẫn cách cấp cứu người bị điện giật

Sự cố điện giật rất hy hữu nhưng lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai và hậu quả thì không thể lường trước được. Vì thế, chúng ta cần trang bị những kiến thức về cách sơ cấp cứu điện giật trước khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện để bảo toàn mạng sống cho người bị nạn.

Quy trình cấp cứu người bị điện giật được tiến hành như sau:

  • Cắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện. Sau đó gọi cơ quan chức năng (cấp cứu và ngành điện).
  • Tự cách điện cho mình bằng cách đứng trên vật cách điện (hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa). Dùng thanh tre, thanh gỗ, cây nhựa... gạt dây điện hoặc tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Tuyệt đối không được chạm vào người nạn nhân nếu người đó chưa được tách khỏi nguồn điện.

cap-cuu-dien-giat-kien-thuc-khong-bao-gio-thua-voh

Dùng thanh tre, gỗ,... để gạt dây điện, không được dùng tay tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện (Nguồn: Internet)

  • Sau khi đã ngắt nguồn điện, nếu nạn nhân còn tỉnh, không bị thương tích gì thì đỡ nạn nhân nằm nghỉ ngơi và theo dõi. Nếu nạn nhân bất tỉnh, đặt nạn nhân nằm trên nền cứng, để cổ ngửa tối đa, trừ những trường hợp nạn nhân bị chấn thương cột sống.
  • Kiểm tra nhịp tim, nếu tim không đập hãy đấm vào vùng ngực trước tim 5 cái. Sau đó khẩn trương hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài ngực. Thực hiện như sau: Để 2 bàn tay chồng lên nhau, đặt phía dưới xương ức rồi ấn mạnh vào lồng ngực. Nếu chỉ 1 người sơ cứu thì cứ 15 lần ép tim sẽ thổi ngạt 2 lần. Còn 2 người sơ cứu thì 5 lần ép tim sẽ 1 lần thổi ngạt.
  • Thực hiện đều đặn cho đến khi nạn nhân tỉnh lại, có mạch đập và có xe cấp cứu chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

Những điều cần ghi nhớ khi sơ cấp cứu người bị điện giật

Khi tiến hành sơ cấp cứu, người ứng cứu phải thật bình tĩnh, không hoảng loạn, vì toàn bộ công việc cấp cứu chỉ gói gọn trong khoảng 3 phút.

Người thực hiện sơ cứu cần chú ý đến những thương tích trên người nạn nhân, đề phòng trường hợp nạn nhân bị ngã gây chấn thương, vô tình sẽ khiến tình trạng nặng thêm.

Đối với nạn nhân bị bỏng do điện không nên rửa nước, chườm đá, hay bôi bất cứ thuốc gì lên vết thương mà nên đưa nạn nhân đến bệnh viện để nhân viên y tế xử lý.

Thực hiện hô hấp nhân tạo với những trường hợp tim ngừng đập, nếu nạn nhân bị thương ở miệng, có thể thổi ngạt qua đường mũi.

cap-cuu-dien-giat-kien-thuc-khong-bao-gio-thua-1-voh

Thực hiện động tác hà hơi thổi ngạt với những trường hợp tim ngừng đập (Nguồn: Internet)

Chú ý đến việc giữ thân nhiệt cho nạn nhân, nếu thời tiết lạnh hoặc nạn nhân đang ở nơi có nước, hãy đưa nạn nhân ra khỏi vùng nước, ủ ấm bằng chăn màn, quần áo.

Chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện khi bệnh nhân đã có thể tự thở và lấy lại được mạch. Trên đường di chuyển vẫn phải tiếp tục công việc cấp cứu và theo dõi để phát hiện và điều trị kịp thời các tai biến có thể xảy ra.

Mỗi gia đình cần chủ động đề phòng điện giật

Để đề phòng điện giật, mỗi người, mỗi nhà cần tuân thủ các quy tắc sử dụng điện an toàn. Cần lưu ý việc ngắt nguồn điện khi sửa chữa điện, các thiết bị điện cần để xa tầm tay của trẻ em.

Khi sử dụng các vật dụng có điện như: nồi cơm điện, bình nước điện, quạt máy... cần phải hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn.

Đã có không ít trường hợp bị điện giật là do cắm điện khi tay còn ướt, phơi quần áo ướt trên dây sắt có dẫn điện hoặc do ổ cắm điện trong gia đình quá thấp, thiết bị điện bị nhiễu... Do đó, mọi người cần phải thật thận trọng khi sử dụng điện, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang moh.gov.vn - Trang điện tử của Bộ Y Tế
  2. Trang suckhoedoisong.vn

Sơ cứu đuối nước ở trẻ em sao cho đúng cách? : Theo các số liệu thống kê, có khoảng 50% trẻ em bị đuối nước ở Việt Nam và tỷ lệ trẻ em chết đuối do đuối nước cao gấp 10 lần so với những nước đang phát triển.

Bình luận