Ngày 15/5/2024, tại Thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Đầu tư phát triển nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thông minh, bền vững, hướng đến Net Zero”. Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Công ty cổ phần Hòa Phú, Tập đoàn SP Group, Công ty cổ phần Decox đồng tổ chức.
Đại diện các tập đoàn, khu công nghiệp và doanh nghiệp tham gia sự kiện
Sự kiện đã thu hút hàng trăm các nhà lãnh đạo của các khu công nghiệp ĐBSCL, các DN, và các Tập đoàn lớn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng điện tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xử lý giảm phát thải hướng đến Net Zero… Đặc biệt, các tập đoàn lớn có sự cam kết đầu tư 100% vốn vào các KCN, CCN, nhà máy để triển khai thực hiện các đề án, kì vọng những nguồn vốn đầu tư lớn để tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành công nghiệp 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long bức phá.
Đẩy mạnh mục tiêu Net Zero
Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 (2021), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Tại COP28 (2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Công nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính (GHG) cao thứ hai ở Việt Nam và trên thế giới. Theo Bộ Công Thương, năm 2019, ngành công nghiệp chiếm 33,3% tổng lượng phát thải GHG của Việt Nam... Nguyên nhân chính là sự sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch làm nhiên liệu và nguyên liệu, cũng như các quá trình sản xuất có tác động lớn đến môi trường.
Ths. Nguyễn Thị Kim Khánh- Tổng giám đốc Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc Ths. Nguyễn Thị Kim Khánh- Tổng giám đốc Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển khu công nghiệp thông minh, bền vững và hướng đến Net Zero là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam. Các cụm công nghiệp đang đẩy mạnh mô hình phát triển thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển tuần hoàn tiến tới Net Zero. Với sự thúc đẩy mạnh mẽ, sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Việt Nam, Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam mong muốn sẽ cùng các doanh nghiệp hành động vì mục tiêu xây dựng, đầu tư phát triển khu công nghiệp thành khu công nghiệp thông minh, bền vững, khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái.”
ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều khu công nghiệp lớn, nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái để thu hút dự án xanh đang là mục tiêu chính của các khu công nghiệp tại ĐBSCL.
Tất yếu chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp
Ông Hà Duy Tín – TGĐ công ty cổ phần Hòa Phú chia sẻ về chuyển đổi xanh
Đề cập đến giải pháp chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững tại các khu công nghiệp, Ông Hà Duy Tín – TGĐ công ty cổ phần Hòa Phú tại Vĩnh Long, Phó chủ tịch Khu CN Bất động sản Việt Nam cho biết: “Một xu thế quan trọng đối với các DN xuất khẩu tại các KCN, nhất là ngành dệt may, da giày. Các DN muốn bán được hàng và xuất khẩu phải chuyển đổi xanh, phải xanh hóa đầu vào, phải giảm phát thải, khí thải, nước thải... bằng cách mua tín chỉ carbon bù đắp, hướng tới mục tiêu Net Zero, phải sử dụng năng lượng xanh. Hiện tại vùng năng lượng xanh, sạch, điện mặt trời áp mái đang được chính phủ và Bộ công thương áp dụng các chính sách hỗ trợ. Khuyến khích các DN sử dụng điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. LCH Khu công nghiệp BĐS VN đang nghiên cứu nghị định 35, đề cập đến khu công nghiệp xanh, KCN sinh thái để đề xuất với chính phủ những ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả vì đây là tiêu chí sắp xếp KCN trong tương lai.”
Những lợi ích từ khu công nghiệp thông minh
Áp dụng mô hình khu công nghiệp thông minh đang là giải pháp hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ông Cao Xuân Hưng- CEO Công ty cổ phần Decox đã chia sẻ với hội nghị về 7 tiêu chí cơ bản của khu công nghiệp thông minh, đó là: “Hệ thống thông tin thông minh; sự quản lý năng lượng thông minh; sự quản lý nước thông minh; sự điều hòa không khí thông minh; sự Logistics hiệu quả thông minh; sự bào mật thông minh; và sự vận chuyển thông minh.
Những lợi ích mà các chủ đầu tư khi phát triển nâng cấp lên KCN thông minh là sự tối ưu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững, đóng góp mục têu Net Zero; các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hàng đầu, nâng cao chất lượng quản lý và vận hành; tăng tính an toàn và bảo mật dữ liệu; giảm chi phí và thời gian sản xuất; tăng giá trị và hiệu quả các dự án KCN, CCN trên nhiều phương diện- phát triển hệ thống nâng cấp thương hiệu đạt tiêu chuẩn cao; quản lý tài sản hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu hiệu quả.”
Việt Nam cần nhanh chóng phát triển khu CN thông minh, sản xuất thông minh, hiện đại vì KCN thông minh sẽ nâng cao chất lượng và giá trị thu hút đầu tư; được ưu tiên tài nguyên đất đai, ngồn năng lượng; sự liên kết giữa các KCN và qui hoạch quốc gia ngày càng được gắn kết ở mức độ cao hơn; tương thích và cộng hưởng với hạ tầng xã hội lân cận, xóa bỏ định kiến về việc sống cạnh KCN, được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng.
Xanh hoá nguồn năng lượng
Một vấn đề cũng được hội nghị quan tâm đó là phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cho KCN. Việc đầu tư năng lượng tích hợp cho KCN xanh đang là mục tiêu quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững mà Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách, cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và phát triển nền kinh tế thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là những bước triển khai chiến lược cho việc xây dựng mô hình khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp xanh.
NLTT là nguồn năng lượng vô tận, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm trên thương trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đặt ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Chia sẻ những mô hình và giải pháp đầu tư năng lượng tích hợp cho KCN xanh, thông minh hiệu quả của SP Group, Ông Nguyễn Thanh Phát – Giám đốc đều hành của SP Group Việt Nam cho biết: “Việc sử dụng năng lượng tích hợp góp phần giảm thiểu lượng than, từ đó giảm được lượng carbon dioxide và các khí nhà kính. Đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế. Các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh quy trình xanh hóa trong sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.”
NLTT là nguồn năng lượng xanh hữu ích giúp doanh nghiệp sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường.
Ông Trần Thanh Long – Quản lý phát triển knh doanh Samsung E&A Việt Nam – DN có 450 dự án về sinh thái môi trường cũng đã chia sẻ về những giải pháp tốt nhất trong lĩnh vực sinh thái môi trường, xử lý ô nhiễm đến nền kinh tế tuần hoàn, và giải pháp môi trường tuần hoàn cho các KCN đô thị, dịch vụ, siêu đô thị.
Những ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp, các tập đoàn xung quanh việc đầu tư phát triển nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thông minh, bền vững, hướng đến Net Zero và các giải pháp năng lượng tái tạo cũng như những khó khăn và thách thức của DN khi thực hiện chuyển đổi xanh và các ưu đãi cũng như chính sách, qui định của chính phủ, bộ ngành... đã làm nóng không khí hội nghị.
Hội nghị xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp khu vực ĐBSCL đã giúp doanh nghiệp có nhận thức tốt hơn về xu hướng quốc tế và trong nước trong quá trình chuyển đổi xanh, các quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính và các công nghệ, quy trình quản lý liên quan đến chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, khu công nghiệp thông minh.
Đưa ra góc nhìn chuyên sâu nhằm phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa về khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái; phương pháp chuyển đổi năng lượng xanh, tiết kiệm chi phí, thời gian cho DN, giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp tại các khu CN hướng đến mục tiêu Net Zero.
Nhiều hợp đồng và dự án được ký kết tại hội nghị