Phát triển bền vững ngày 15/5: Sử dụng hiệu quả năng lượng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2030

VOH - Tín chỉ carbon tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Tiềm năng không chỉ từ rừng; Đằng sau 'cuộc chiến' Mỹ - Trung trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Sử dụng hiệu quả năng lượng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2016, năng lượng là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 65% tổng lượng phát thải; sau đó là các lĩnh vực, các quá trình công nghiệp (14,6%), nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (13,9%) và chất thải (6%).

Trong giai đoạn 2024 - 2028, Việt Nam sẽ triển khai các dự án cụ thể nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để đạt mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.

Tại lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm.

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nhận định, việc phát triển và mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, thủy điện và năng lượng sinh học là những bước đi quan trọng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch ở Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của luật.

Quy hoạch Điện VIII dự báo rằng không phải điện mặt trời mà là năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió trên bờ và ngoài khơi và ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới.

Ngoài ra, việc xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các dự án và công nghệ cũng tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nhiều quy định nhằm tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải, chuẩn bị cho thị trường carbon đang được đề xuất.

thi-truong-carbon1

Trong dự thảo Nghị định mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung một số quy định đối với các dự án đầu tư công theo hướng: Cơ quan chủ quản dự án ký kết Thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon theo Luật Thỏa thuận quốc tế, bao gồm nội dung về lượng giảm phát thải khí nhà kính dự kiến chuyển giao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cấp Thư chấp thuận chuyển giao tín chỉ carbon quốc tế căn cứ trên đề nghị của cơ quan chủ quản dự án, ý kiến các Bộ quản lý lĩnh vực, cơ quan có liên quan và tình hình thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia.

Đối với các dự án không được cấp Thư chấp thuận, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon chỉ được sử dụng cho mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, không đóng góp vào mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định của quốc gia khác và mục tiêu giảm nhẹ quốc tế khác.

Tín chỉ carbon tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Tiềm năng không chỉ từ rừng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích toàn châu thổ là 36.000 km2, trong đó có khoảng 347.500ha rừng các loại. Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động của dự án giảm phát thải khí nhà kính, đồng nghĩa với giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; tái tạo thảm thực vật.

vuonquocgiamuicamau20240514134530

Vườn quốc gia mũi Cà Mau. Ảnh: Sơn Nam

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khi hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD. Thực hiện đề án này, Việt Nam còn có cơ hội bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Với diện tích khoảng 188.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long. Ước tính, với diện tích dừa đang có cùng khả năng hấp thụ carbon của cây trồng này, ngành dừa có thể thu thêm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm (với giá bán tương tự như tín chỉ carbon rừng là 5 USD/tấn CO2).

Riêng tại Cà Mau, địa phương đang sở hữu 143.000ha rừng, lãnh đạo tỉnh cho biết, để triển khai thực hiện dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, mỗi năm địa phương sẽ có thêm nguồn tài chính đáng kể, bền vững, phục vụ công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp.

Từ năm 2020, chính quyền và ngành chức năng một số tỉnh trong vùng đã tổ chức các buổi gặp gỡ để người dân, chủ rừng, doanh nghiệp nghe chuyên gia nói chuyện, tư vấn các vấn đề liên quan đến thị trường carbon.

Cuối năm 2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL đã ký cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đằng sau 'cuộc chiến' Mỹ - Trung trong lĩnh vực năng lượng sạch

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/5 đã công bố mức thuế 100% đối với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất như một phần trong gói biện pháp nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ. Mức thuế cao hơn mà các quan chức chính quyền Biden công bố cũng sẽ đánh vào khoáng sản, hàng hóa thiết yếu và pin năng lượng mặt trời có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Tập trung đánh thuế vào xe điện và họ đã tăng thuế suất từ 25% lên 100%. Bên cạnh đó, Chính quyền Biden còn bổ sung mức thuế 2,5% áp dụng cho tất cả ô tô nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế 25% hiện hành đối với xe điện của Trung Quốc cho đến nay đã có hiệu quả trong việc ngăn cản những mẫu xe có giá thành rẻ hơn so với phương Tây thâm nhập vào thị trường Mỹ. 

Các động thái thương mại mới trên đang gây áp lực lên quan hệ Mỹ - Trung. Hai siêu cường đã dành nhiều tháng để tìm cách ổn định quan hệ ngoại giao sau nhiều năm bất đồng về vấn đề Đài Loan, cuộc xung đột Nga-Ukraine và việc tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã đạt được thành công đáng kể trên thế giới và hiện là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất” trên thế giới. Trung Quốc đang tăng cường xuất khẩu hàng hóa năng lượng sạch đã dấy lên lo ngại ở Mỹ, nơi Washington đang cố gắng bảo vệ ngành năng lượng sạch còn non trẻ của Mỹ trước Trung Quốc.

Australia đặt mục tiêu trở thành siêu cường năng lượng tái tạo

Ngày 14/5, Australia đã công bố kế hoạch ngân sách hằng năm, trong đó đặt mục tiêu trở thành "siêu cường năng lượng tái tạo" nhưng dữ liệu cũng cho thấy mức độ phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào các loại nhiên liệu hóa thạch và đang trên đà đạt được thặng dư ngân sách 6 tỷ USD trong năm nay, trong đó một phần nhờ giá than đá và quặng sắt tăng.

Chuyển đổi năng lượng toàn cầu là "cơ hội vàng" về việc làm và sự thịnh vượng cho Australia để thực hiện tham vọng của Australia trở thành siêu cường năng lượng tái tạo.

Trọng tâm của ngân sách là chương trình "Made in Australia" nhằm thúc đẩy năng lượng sạch trong nước và các ngành sản xuất tiên tiến. Chính phủ sẽ đầu tư 15 tỷ USD vào sản xuất pin Mặt Trời, nhiên liệu carbon thấp, giảm thuế cho các khoáng sản quan trọng và các lĩnh vực ưu tiên khác.

Australia có nhiều nắng và các bờ biển lộng gió cùng trữ lượng kim loại và khoáng sản quý hiếm dồi dào, theo đó tiềm năng trở thành siêu cường năng lượng tái tạo của nước này đã được nhắc đến trong nhiều năm. Để đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc lâu dài vào quặng sắt, than đá và khí đốt vốn là những mặt hàng xuất khẩu sinh lợi nhất của nước này.

Giải pháp Năng lượng Xanh của Shanghai Electric có mặt tại Triển lãm Ngày Thương hiệu Trung Quốc, tạo dựng một khung cảnh đổi mới nhờ Công nghệ Năng lượng Sạch

Shanghai Electric đã đưa các giải pháp năng lượng xanh và giải pháp công nghiệp hệ thống của họ trở thành tâm điểm tại Ngày Thương hiệu Trung Quốc 2024, kỳ triển lãm lớn lần thứ tám này được tổ chức tại Thượng Hải từ 10/05 đến 14/05.

Các giải pháp được giới thiệu cho thấy những đóng góp gần đây của Shanghai Electric trong quá trình phát triển năng lượng sạch với những đột phá về công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của khu vực, mở ra tầm nhìn về một Trung Quốc xanh hơn nhờ những đổi mới sáng tạo đảm bảo carbon thấp được thiết kế để giúp quốc gia này đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu không phát thải carbon.

Để thể hiện khả năng công nghệ vượt trội, Shanghai Electric đã giới thiệu các giải pháp và sản phẩm giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất lên một tầm cao mới, khẳng định mục tiêu không ngừng tìm tòi đổi mới sáng tạo công nghệ của Công ty.

Dưới biểu ngữ "Năng lượng xanh", Shanghai Electric đã giới thiệu hệ thống phát điện kết hợp năng lượng gió-mặt trời-lưu trữ-hydro và giải pháp tích hợp nguồn-lưới-tải-lưu trữ, giới thiệu các hệ thống điện thế hệ mới và các khu công nghiệp không carbon toàn diện, giúp cung cấp năng lượng cho các khu vực trên toàn cầu.

Bình luận