Chờ...

Phát triển bền vững 8/4: Công ty dầu khí Nga muốn mở rộng hợp tác điện gió ngoài khơi Việt Nam

VOH - Ghi điểm thêm cho phát triển bền vững từ công trình xanh; Bến Tre có nhiều tiềm năng tín chỉ carbon; Tôm - lúa thuận thiên giúp nông dân thu tiền tỷ.

Công ty dầu khí Nga muốn mở rộng hợp tác điện gió ngoài khơi Việt Nam

Sáng 8.4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Kudryashov Sergei Ivanovich - Tổng Giám đốc Công ty Zarubezhneft, Liên bang Nga - đang thăm, làm việc tại Việt Nam về hợp tác dầu khí, năng lượng.

Tổng Giám đốc Công ty Zarubezhneft cho biết, sau hơn 40 năm hợp tác giữa Công ty Zarubezhneft và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thông qua Liên doanh Vietsovpetro và Rusvietpetro đã gặt hái được nhiều thành công trong thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí; tạo việc làm, đóng góp ngân sách của mỗi nước.

Phía Nga tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển các dự án của Rusvietpetro tại Nga trong thời gian tới nhằm phát triển cân bằng hơn các dự án hợp tác dầu khí tại Việt Nam và Nga; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để hai bên phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại các dự án hợp tác.

Ông Kudryashov Sergei Ivanovich cho biết, phía Nga mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có hợp tác dầu khí.

Phát triển bền vững 8/4: Công ty dầu khí Nga muốn mở rộng hợp tác điện gió ngoài khơi Việt Nam 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam luôn ủng hộ, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác dầu khí giữa Việt Nam - Nga. Ảnh: VGP

Công ty Zarubezhneft mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam sang các lĩnh vực khác, trong đó có phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Bày tỏ ủng hộ thúc đẩy xử lý các khó khăn, vướng mắc tại các dự án mà Zarubezhneft và Petrovietnam đang hợp tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam luôn ủng hộ, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác dầu khí giữa hai nước, trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Ghi điểm thêm cho phát triển bền vững từ công trình xanh

Cam kết giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế trên “sân chơi” hội nhập toàn cầu. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu Netzero vào năm 2050, trong đó, có nhiều chính sách phát triển công trình xanh.

Phát triển bền vững 8/4: Công ty dầu khí Nga muốn mở rộng hợp tác điện gió ngoài khơi Việt Nam 2

Ông Vũ Hồng Phong - Chuyên gia về công trình xanh của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh: Công trình xanh không chỉ khẳng định thương hiệu, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm bất động sản trên thị trường. Nhìn rộng hơn, với các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp sinh thái, các công trình xanh còn đang trở thành lợi thế thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vì mang lại lợi ích trong việc vận hành và nền tảng phát triển chuỗi sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, công trình xanh là yếu tố của phát triển bền vững nên khi đạt chứng nhận, trở thành người tiên phong các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh, thu hút nguồn lực từ các quỹ đầu tư hay có nhiều lợi thế trong quảng bá sản phẩm, dịch vụ…

Ông Vũ Hồng Phong chia sẻ thêm: tỷ lệ dự án công trình xanh trong các lĩnh vực may mặc, da giày đang ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, nghỉ dưỡng… bắt đầu có sự quan tâm đến công trình xanh. Các quỹ tài chính, quỹ đầu tư cũng mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Điện gió ngoài khơi chờ chính sách

Theo quy hoạch điện 8, đến năm 2030 sẽ phát triển hơn 6.000 MW điện gió ngoài khơi, là nguồn điện quan trọng đóng góp vào cung cấp điện cho cả nước.

Việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cần sửa đổi và hoàn thiện nhiều chính sách

Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, các doanh nghiệp mong Nhà nước sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để rót vốn đầu tư.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho hay để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi có tới 20 bộ luật liên quan phải hoàn thiện, sửa đổi.

"Để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi đến khi hoàn thành phải mất tám năm trong điều kiện khuôn khổ chính sách pháp luật chặt chẽ, đầy đủ.

Trong khi đây là vấn đề rất mới với Việt Nam, nhiều chính sách cần phải hoàn thiện nên quá trình triển khai dự án sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Trong đó nghiên cứu giao các tập đoàn kinh tế nhà nước (PVN, EVN) hoặc Bộ Quốc phòng triển khai các dự án thí điểm. Đề án phải rà soát toàn diện các vướng mắc, thiếu sót tại các văn bản hiện hành.

Trong trường hợp cần nghị quyết của Quốc hội thí điểm triển khai dự án, cần thực hiện khẩn trương để trình Quốc hội vào tháng 5-2024, đề xuất cơ chế, chính sách về thí điểm giao các tập đoàn kinh tế nhà nước tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu các khu vực biển có tiềm năng.

Bến Tre có nhiều tiềm năng tín chỉ carbon

Bến Tre hiện có diện tích trồng dừa lớn nhất với khoảng 78.000 ha. Theo các nhà nghiên cứu, với diện tích này, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2 ­(chưa kể cây dưới tán dừa).

Phát triển bền vững 8/4: Công ty dầu khí Nga muốn mở rộng hợp tác điện gió ngoài khơi Việt Nam 3

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, Bến Tre có lượng nước ngọt từ ba con sông lớn cung cấp nguồn nước ngọt để nuôi dưỡng rừng dừa xanh tốt, kết hợp nắng gió dồi dào tạo điều kiện để hấp thụ carbon tốt nhất. Sau nghiên cứu ước lượng khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa qua sinh khối tại huyện Giồng Trôm cho thấy, cây dừa ở Bến Tre có khả năng hấp thụ một lượng CO2 đáng kể.

Cụ thể, với 1 ha dừa ở độ 4- 10 năm tuổi có khả năng hấp thụ 24,52 – 75,24 tấn CO2 (giống dừa cao) và 20,45 - 69,91 tấn CO2 (đối với giống dừa thấp). Ngoài ra, nếu dưới tán dừa, nông dân có trồng thêm một số cây trồng khác như ca cao, rau màu... có thể gia tăng khả năng hấp thu carbon.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn ước tính: hiện nay, giá bán tín chỉ CO2 thấp nhất là 5 USD/tấn CO2, nếu có minh chứng, Bến Tre sẽ thu về 9,75 - 29,25 triệu USD.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng của tỉnh tham gia thị trường carbon tập trung cho đối tượng cây dừa, cây ăn trái, rừng ngập mặn ven biển, chăn nuôi nhằm xác định tiềm năng tín chỉ carbon, chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tỉnh tham gia thị trường carbon.

Tôm - lúa thuận thiên giúp nông dân thu tiền tỷ

Tín chỉ carbon hay nông nghiệp thuận thiên là một trong những giải pháp, công cụ để thúc đẩy các quốc gia, trong đó có vùng ĐBSCL - vựa lúa của nước ta - cần chuyển đổi dần thói quen sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Trong đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng các giải pháp thuận tự nhiên để biến đổi quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn giúp giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, giảm chất thải ra môi trường... Từ đó, góp phần giảm phát thải khí nhà kính để đạt được mục tiêu trung hoà carbon.

Tại Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL, mới đây, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng, mô hình tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng đồng bằng này.

Mô hình tôm - lúa có năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch được 5-8 tấn lúa và 300-1.000 kg tôm. Như vậy, mỗi năm thu nhập từ mô hình này tối thiểu 250 triệu đồng, trung bình 500 triệu đồng và có thể lên tới 1 tỷ đồng/ha nếu canh tác thành công.

Song, để đạt được con số 1-2,5 tỷ đồng/ha/năm thì cần phải liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm - lúa lớn.

Mỹ đẩy mạnh đầu tư phát triển năng lượng sạch

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) vừa công bố khoảng tài trợ trị giá 20 tỷ USD để sử dụng cho các dự án chống biến đổi khí hậu và năng lượng sạch.

Đây là một trong những khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu lớn nhất cho đến nay được chính quyền của Tổng thống Biden công bố. Số tiền này có thể tài trợ cho hàng chục nghìn dự án đủ điều kiện, từ lắp đặt máy bơm nhiệt dân dụng và các cải tiến nhà ở tiết kiệm năng lượng cho đến các dự án quy mô lớn hơn như xây dựng trạm sạc xe điện và trung tâm làm mát cộng đồng.

Theo EPA, khoản tài trợ này được trao cho 8 ngân hàng phát triển cộng đồng và tổ chức phi lợi nhuận để sử dụng cho các dự án chống biến đổi khí hậu ở các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, cũng như giúp người dân tiết kiệm và giảm lượng khí thải carbon. 8 tổ chức trên đã cam kết thực hiện các dự án về giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính, với lượng khí thải được cắt giảm tương đương 40 triệu tấn CO2 mỗi năm.