Phát triển bền vững 5/4: 3 công ty kinh doanh tín chỉ carbon đạt chứng nhận "uy tín", Ngành du lịch chuyển đổi xanh

VOH - Gỡ vướng cho điện gió ngoài khơi Cần Giờ, Bà Rịa - Vũng Tàu tiên phong phát triển thị trường dịch vụ điện gió.

Chuyển đổi số là chìa khóa để ngành du lịch chuyển đổi xanh

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2024, ngày 4/4 Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới”.

Phát triển bền vững 5/4: 3 công ty kinh doanh tín chỉ carbon đạt chứng nhận

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, việc cập nhật xu thế kinh doanh của thế giới là nhu cầu cấp thiết trong thời đại công nghiệp 4.0 đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, thực tế thời gian qua, hình thức đi du lịch không theo tour hay du lịch tự túc đang ngày càng trở nên phổ biến. Xu hướng này càng được thúc đẩy bởi sự “lên ngôi” của chuyển đổi số. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh trong tay, khách du lịch đã có thể tự tìm kiếm và đặt dịch vụ một cách rất thuận tiện thông qua các nền tảng trực tuyến. Các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy phát triển, mạnh dạn chuyển đổi để đưa điểm đến gần hơn với du khách.

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure Tours cho biết, tiêu dùng du lịch hướng tới giá trị là một thay đổi quan trọng trong hành vi du lịch của du khách toàn cầu; với sự tăng cao của yêu cầu về các sản phẩm thân thiện môi trường, tôn trọng cộng đồng bản địa và giá trị thương hiệu của nhà cung ứng dịch vụ.

“Các mô hình lưu trú hay sản phẩm bền vững được xem là tương lai của ngành du lịch. Du khách sẽ ngày càng quan tâm đến dấu chân carbon, sản phẩm tái chế và quản lý nước thải trên hành trình du lịch của họ. Các sản phẩm mang tính bản địa nguyên bản, hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương được xem là những ưu tiên lựa chọn của du khách.”, ông Nguyễn Châu Á nhấn mạnh.

Tham vọng “xanh hóa” của Hyosung TNC tại Việt Nam

Hyosung TNC thuộc Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận của chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để xây dựng một nhà máy bio-butanediol (BDO) mới với công suất hàng năm lên tới 50.000 tấn. Nhà sản xuất vải thun hàng đầu thế giới đặt mục tiêu sản xuất và bán 50.000 tấn BDO sinh học trong nửa đầu năm 2026. Công ty cũng có kế hoạch thành lập thêm cơ sở để tăng gấp bốn lần công suất sản xuất lên 200.000 tấn mỗi năm.

Đơn vị dệt may của Tập đoàn Hyosung dự kiến sẽ vận hành tổ hợp sản xuất vải thun sinh học lớn nhất thế giới, tích hợp toàn bộ quy trình sản xuất từ nguyên liệu thô đến sợi, lần đầu tiên trong ngành tại Việt Nam. Công ty cũng có kế hoạch sản xuất BDO tại nhà máy mới và sản xuất PTMG (Polytetramethylene Glycol) tại cơ sở gần đó ở Đồng Nai để sản xuất hàng loạt vải thun sinh học từ nguyên liệu này.

BDO là hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu thô cho PTMG, một thành phần của sợi spandex. Ứng dụng của hóa chất này đã được mở rộng sang các sản phẩm khác như nhựa kỹ thuật, bao bì phân hủy sinh học, đế giày dép và các hợp chất công nghiệp. BDO được sản xuất bằng cách lên men đường có nguồn gốc từ mía, thay thế tới 100% việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện có.

Trên thực tế, thuật ngữ “thị trường thời trang bền vững” đề cập đến xu hướng đang phát triển trong ngành thời trang, nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội và môi trường ở mọi giai đoạn của vòng đời quần áo, giày dép. Chiến lược này có tính đến các tác động môi trường của việc tìm nguồn nguyên liệu thô, quy trình sản xuất, chiến lược phân phối và xử lý khi hết vòng đời sản phẩm. Thời trang bền vững là hướng đi mà các nhà sản xuất tìm cách giảm thiểu thiệt hại về môi trường và nâng cao hành vi đạo đức.

Phổ biến Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL

Chiều 4-4, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Sở NN-PTNT tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo giới thiệu Quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Phát triển bền vững 5/4: 3 công ty kinh doanh tín chỉ carbon đạt chứng nhận

Theo Cục Trồng trọt, Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, nhà khoa học cấp cao IRRI đã giới thiệu về Quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL; quy trình bao quát toàn bộ các khâu của sản xuất lúa gồm ba hợp phần: kỹ thuật canh tác, thu hoạch - xử lý sau thu hoạch và quản lý rơm rạ. Các hợp phần kỹ thuật sản xuất có tính liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh đồng bộ áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án. Với mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân; tăng tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí nhà kính phát thải.

Ba công ty kinh doanh tín chỉ carbon đạt chứng nhận "uy tín"

Phát triển bền vững 5/4: 3 công ty kinh doanh tín chỉ carbon đạt chứng nhận

Ngày 5/4, Hội đồng minh bạch về thị trường carbon tự nguyện (ICVCM) thông báo 3 công ty ACR, CAR và Gold Standard - 3 trong số 4 công ty cung cấp tín chỉ carbon lớn nhất thế giới với tổng thị phần đạt 30% - là những công ty đầu tiên đủ điều kiện để dán nhãn "uy tín."

Ba công ty kinh doanh tín chỉ carbon lớn nhất thế giới đã đủ điều kiện được dán nhãn "uy tín" (integrity), nhằm đảm bảo những sản phẩm của họ có thể thực sự giúp tránh hoặc cắt giảm lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.

Chủ tịch ICVCM, bà Annette Nazareth cho biết điều này phản ánh sự quan tâm của thị trường đối với các tiêu chuẩn minh bạch cao hơn.

Tín chỉ carbon là một cơ chế được các công ty hoặc cá nhân sử dụng nhằm bù đắp lượng phát thải khí carbon của họ.

Gỡ vướng cho điện gió ngoài khơi Cần Giờ

Ngày 4-4, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM đã tổ chức hội thảo khoa học Thúc đẩy tăng trưởng xanh để phát triển bền vững với chủ đề "Phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ". Tại hội thảo, các chuyên gia đã mang đến nhiều thông tin tích cực trong lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam.

Theo thông tin tại hội thảo, năm 2023, Sở Công Thương TP HCM đã đề xuất UBND thành phố bổ sung dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Nếu được phê duyệt, dự án này sẽ được triển khai từ năm 2025 đến 2040, chia làm 4 giai đoạn đầu tư. Tuy nhiên, thực tế dự án hiện chưa được đưa vào Quy hoạch điện VIII.

Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là dự án điện năng tái tạo đầy tiềm năng, hứa hẹn góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng cho TP HCM và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ làm điện gió hiệu quả nếu tuân thủ các quy tắc cơ bản. "Việt Nam đã có thể nội địa hóa 50% - 70% turbin gió. Quan trọng là phải có sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển điện gió thành công, từ đó xây dựng nền công nghiệp xanh cho đất nước" - một chuyên gia điện gió có 30 năm kinh nghiệm bày tỏ.

Bà Rịa - Vũng Tàu tiên phong phát triển thị trường dịch vụ điện gió

Phát triển bền vững 5/4: 3 công ty kinh doanh tín chỉ carbon đạt chứng nhận

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á, với tổng công suất 513.360MW, bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La. Ở phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhất là 2 tỉnh Nam Trung Bộ là Ninh Thuận, Bình Thuận có tiềm năng cao nhất.

“Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh tuyệt đối về cung ứng dịch vụ, vật tư phát triển các trụ điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi, bởi đã có sẵn hệ thống cảng biển, cơ sở dịch vụ và năng lực sản xuất phục vụ khai thác dầu khí ngoài biển lâu nay. Giờ chuyển sang cung ứng dịch vụ cho các nhà máy điện gió ngoài khơi, sẽ rất thuận lợi, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng về năng lượng tái tạo ngoài khơi trên thế giới chưa hình thành, nên dư địa phát triển còn rất lớn”, ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thông tin.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các doanh nghiệp tại tỉnh có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ phát triển điện gió không chỉ ở Việt Nam mà còn cho thị trường nước ngoài.

Theo Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000MW. Do đó, tiềm năng của ngành sản xuất thiết bị phục vụ cho các dự án điện gió là rất lớn.

Bình luận