Nhà máy điện sinh khối Tokushima Tsuda, phát điện bằng cách đốt viên nén gỗ và vỏ cọ, vừa đi vào hoạt động thương mại tại Thị trấn Tsuda Kaigan, Thành phố Tokushima, đối diện với Kênh Kii.
Nhiều công ty địa phương cũng tham gia Nhà máy điện sinh khối
Nhà máy được vận hành bởi Công ty TNHH Nhà máy điện sinh khối Tokushima Tsuda. RENOVA (Tokyo) có 60,8% vốn, công ty phát triển và vận hành năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt và năng lượng gió, là nhà đầu tư lớn nhất, ngoài ra còn có Osaka Gas (33,5%) và các công ty địa phương cũng đầu tư vào công ty này.
Nhà máy điện được xây dựng trên diện tích khoảng 62.000 mét vuông. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục vay trong ít nhất 20 năm vì đã được chứng nhận theo Cơ chế giá điện đầu vào (FIT). Trong khu vực lân cận có một khu phức hợp gỗ được xây dựng trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao và bến cảng cũng được sử dụng để tiếp nhận nguyên liệu nhập khẩu, nhưng trong những năm gần đây lượng giao dịch đã suy giảm.
Dự án được tiến hành vì có sự thống nhất lợi ích của cả hai bên: cư dân và chính quyền địa phương đang tìm cách hồi sinh cảng và Công ty RENOVA đang tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy điện. Bến cảng được kỳ vọng sẽ được tận dụng làm cơ sở nhập khẩu nhiên liệu.
Nhà máy điện bao gồm một nhà kho có thể lưu trữ nhiên liệu trong khoảng một tháng rưỡi, khu vực lò hơi cao khoảng 50 mét, và một tòa nhà chứa tuabin và máy phát điện. Nhà máy được khởi công xây dựng vào năm 2019, với mục tiêu đưa vào vận hành thương mại vào mùa xuân năm 2023, nhưng việc này bị đẩy lùi sang tháng 12 do phải mất thời gian điều chỉnh lò hơi và tuabin để vận hành ổn định.
Công ty TNHH Nhà máy điện sinh khối Tokushima Tsuda đã mở cửa nhà máy cho các cơ quan báo chí vào tham quan vào tháng 1. Hiện xe cơ giới đang vận chuyển nhiên liệu viên nén gỗ và vỏ cọ đến tòa nhà đặt lò hơi. Theo công ty, hai loại nhiên liệu này được trộn lẫn để tạo ra một lượng nhiệt không đổi. Nhiên liệu được đưa đến lò hơi bằng băng tải. Trong tòa nhà tuabin, máy phát điện chạy bằng hơi nước từ lò hơi.
Hiện tại, toàn bộ nhiên liệu sử dụng đều được nhập khẩu. 76% diện tích tỉnh Tokushima là rừng, là tỉnh có nhiều rừng thứ hai ở Shikoku sau Tỉnh Kochi (84%). Công ty cho biết: “Trong tương lai, chúng tôi muốn tận dụng hiệu quả các sản phẩm được sản xuất tại địa phương.” Mấu chốt ở đây là liệu chúng ta có thể có được nguồn cung cấp nhiên liệu gỗ ổn định, giá cạnh tranh so với nguyên liệu nhập khẩu hay không.
Việc “Kiểm soát công suất phát điện” thường xuyên diễn ra và cần được các chính sách cấp bách của chính phủ.
“Nhà máy điện sinh khối Tokushima Tsuda” sử dụng nhiên liệu là viên nén gỗ được làm bằng cách băm nhỏ gỗ mỏng và mụn gỗ tạo ra từ quá trình khai thác gỗ và đông cứng chúng thành những khối nhỏ bằng ngón tay út, hoặc vỏ cọ còn sót lại sau quá trình chiết xuất dầu cọ.
Dầu cọ là một loại dầu thực vật được sử dụng để làm thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày như kem, sô cô la, chất tẩy rửa và mỹ phẩm, nhưng vỏ cọ là lớp vỏ bao bọc phần trái chứa tinh dầu này.
Cả hai đều tạo ra carbon dioxide khi đốt cháy, nhưng vì chúng hấp thụ carbon dioxide trong quá trình sinh trưởng nên tổng phát thải khí nhà kính gần như bằng không, và chúng "trung hòa carbon". Viên nén gỗ được nhập khẩu từ Bắc Mỹ, vỏ cọ được nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng cây cọ bị chỉ trích vì gây phá rừng, nhưng công ty giải thích rằng họ sử dụng vỏ cọ được quốc tế chứng nhận.
Dựa trên cơ chế FIT, toàn bộ lượng điện tạo ra sẽ được Công ty Truyền tải và Phân phối điện Shikoku tại địa phương mua với giá 24 yên/kWh (chưa bao gồm thuế) trong 20 năm kể từ tháng 2 năm 2023.
Hiện nay trên khắp cả nước, kể cả Shikoku, tình trạng “kiểm soát công suất phát điện” diễn ra thường xuyên, đặc biệt là vào mùa xuân và mùa thu khi thời tiết tốt, các nhà máy điện mặt trời và điện gió buộc phải ngừng phát điện. Điều này nhằm ngăn chặn sự mất cân bằng giữa nguồn điện và phụ tải. Mặc dù có thể tăng sản lượng điện tái tạo bẳng mở rộng nhà máy điện mặt trời và điện gió, nhưng theo mùa thì sản lượng điện tiêu thụ không tăng.
Theo quy định cung cấp điện ưu tiên xác định thứ tự điều chỉnh công suất tùy theo loại hình phát điện, các công ty điện lực sẽ điều chỉnh giảm công suất phát điện các nhà máy nhiệt điện sử dụng than, dầu, khí đốt, và sử dụng điện này để bơm nước trong các nhà máy thủy điện tích năng, hoặc truyền tải tới khu vực ngoài phạm vi quản lý của công ty.
Thế nhưng nếu lượng điện tạo ra vẫn vượt quá phụ tải thì lượng phát điện của năng lượng tái tạo như phát điện sinh khối sẽ bị kiểm soát.
Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, điện sinh khối phải được kiểm soát trước điện mặt trời và điện gió. Giải thích về việc tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện sinh khối trong thời điểm mà phát điện mặt trời và điện gió thường xuyên bị kiểm soát ở nhiều nơi, RENOVA, nhà đầu tư lớn nhất của công ty cho biết: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu kinh doanh pin lưu trữ để ổn định cung cấp điện”.
Nếu chính phủ không nhanh chóng thực hiện các chính sách, tình hình hiện tại có thể làm các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mất động lực.
Lê Thanh dịch
Theo Báo Mainichi