Phát triển bền vững ngày 11/6: Khơi thông dòng vốn xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh

VOH -Năng lượng tái tạo, du lịch bền vững, công nghệ xanh nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Với 1ha lúa giảm phát thải, nông dân Đắk Lắk thu thêm được 1,5 triệu đồng

Không nằm trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Trải qua 3 tháng trồng lúa theo phương thức tưới ướt - khô xen kẽ và bón phân theo quy trình phù hợp, vụ lúa này gia đình ông Lê Như Hùng ở xã Bình Hòa (Krông Ana, Đắk Lắk) giảm được một nửa lượng nước tưới, giảm 15% chi phí sản xuất, trong khi năng suất lúa tăng 2 tấn so với canh tác kiểu cũ.

Khi áp dụng phương pháp canh tác của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI, mỗi 1ha lúa sẽ tạo ra 3 tín chỉ carbon. Đơn vị thu mua tín chỉ carbon lúa ở Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan đã quyết định chi trả 20 USD cho 1 tín chỉ. Như vậy, với 1ha giảm phát thải, nông dân thu thêm được 1,5 triệu đồng.

Ông Trần Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon Việt Nam cho biết, công ty đang chờ kết quả chính thức của Công ty Spiro Carbon (Mỹ) về kết quả giảm phát thải từ mô hình sản xuất lúa ở Đắk Lắk.

Khi có số liệu cụ thể, công ty sẽ mua tín chỉ carbon, đồng thời trao chứng chỉ carbon sản phẩm lúa gạo đầu tiên của Việt Nam cho nông dân Đắk Lắk.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh sản xuất lúa ổn định trên diện tích 100.000ha. Nếu bán tín chỉ carbon thành công, vụ tới đây tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng lúa giảm phát thải để nông dân có thêm thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Ở nước ta diện tích gieo cấy lúa lên tới 7,1 triệu ha. Ngoài Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, nhiều địa phương đang áp dụng mô hình trồng lúa giảm phát thải hướng tới bán tín chỉ carbon.

2

Phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì Môi trường năm 2024

Sáng 10/6, tại thành phố biển Nha Trang , Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà phối hợp tổ chức Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam.

Tháng hành động vì môi trường năm 2024 hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” và Ngày Đại dương thế giới (8/6) với chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” năm 2024.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, sa mạc hoá, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng cho biết, để công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ Đại dương đúng hướng, đúng trọng tâm, hàng năm, Trung ương Hội NCT tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn truyền thông và bảo vệ môi trường cho cán bộ Hội NCT các cấp Hội.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tinh thần cầu thị trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi to lớn trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của các vùng, các địa phương cùng nhau phát triển kinh tế theo hướng bền vững, góp phần để Việt Nam phấn đấu hướng đến mục tiêu xây dựng tương lai bền vững “hài hòa với thiên nhiên”, đưa Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu, khai thác tín chỉ carbon ở Lâm Đồng

Ngày 9/6, một cán bộ của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh vừa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển (Sở NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, báo cáo về việc nhà đầu tư muốn nghiên cứu, khai thác tín chỉ carbon từ rừng trên địa bàn.

Hai doanh nghiệp (đều trụ sở tại TP HCM) có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở ngành với mong muốn được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án “Xác lập, khai thác tín chỉ carbon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng”.

Theo các doanh nghiệp này, hiện nay, nhiều đơn vị có nhu cầu rất cao về xác lập tín chỉ carbon và tìm được đối tác mua tín chỉ carbon với giá thành cạnh tranh.

Đối với rừng sản xuất, các đơn vị này sẽ đưa ra các khuyến nghị, đề xuất và hợp tác để các chủ rừng nâng cao thu nhập và có thể khai thác được tín chỉ carbon trong tương lai.

Tỉnh Lâm Đồng là một trong địa phương có diện tích rừng lớn. Thống kê cuối năm 2023, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là 537,727ha với cơ cấu 3 loại rừng gồm: rừng đặc dụng 84,224ha, rừng phòng hộ 147,238ha, rừng sản xuất là 306,265ha.

Khơi thông dòng vốn xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh

Chuyến đi khảo sát tại một doanh nghiệp nhựa ở Hải Dương, tại tọa đàm “Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh bền vững” do Thời báo Ngân hàng tổ chức tuần qua tại Hà Nội, TS. Nguyễn Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam.

Cho biết cả đoàn công tác đều ngỡ ngàng khi doanh nghiệp chỉ sản xuất túi nilông nhưng áp dụng tuyệt đối sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, sàn nhà sạch bong không có bụi và vận chuyển nguyên vật liệu hoàn toàn bằng robot.

Theo TS. Nguyễn Duy Thái, những doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất xanh, xây dựng khu công nghiệp tuần hoàn dù đi đầu, tốn kém nhiều chi phí nhưng đều chưa nhận được chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước, kể cả vay vốn vẫn như các doanh nghiệp khác.

Nhiều năm theo đuổi, nghiên cứu về mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận thấy ở cấp độ doanh nghiệp, việc chuyển đổi xanh thấy rõ sự khác biệt giữa nhóm doanh nghiệp lớn và nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó nhận biết sự chuyển đổi hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, dù một số doanh nhân có nhiều sáng kiến. Các rào cản chính là hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ, khiến nhiều doanh nghiệp bị tụt lại phía sau.

3

Năng lượng tái tạo, du lịch bền vững, công nghệ xanh nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Ngày 10/6, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ngân hàng HSBC tổ chức Hội thảo “Tăng cường năng lực, phổ biến quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và các giải pháp về chuyển dịch năng lượng”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT cho biết, cộng đồng doanh nghiệp vừa là đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Qua đó, tạo ra nguồn lực góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Phát biểu tại sự kiện, ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc Quốc gia của HSBC tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tính bền vững là yếu tố then chốt giúp xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, công bằng và kiên cường.

Bằng cách chuyển dịch hướng tới kinh tế xanh, các quốc gia có thể tạo việc làm, kích thích đổi mới và thu hút đầu tư phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu.

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã nêu các quy định của pháp luật về biến đổi khí hậu trong lĩnh vực phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; phát triển thị trường các-bon trên thế giới và các quy định pháp luật về phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; triển khai các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.

Theo ông Lê Phước Hoài An - Giám đốc Toàn quốc khối khách hàng doanh nghiệp tầm trung, HSBC Việt Nam, các khoản vay liên quan tới phát triển bền vững sẽ phải gắn với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

Các chuyên gia cho rằng, các ngành như năng lượng tái tạo, du lịch bền vững và công nghệ xanh không chỉ hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế, mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế cho doanh nghiệp.