Chờ...

Tin phát triển bền vững ngày 25/10: Chuyển đổi số ngành ngân hàng và những đột phá trong năm 2024

VOH - Việt Nam đối mặt bài toán giảm phát thải đi kèm đánh đổi về tăng trưởng kinh tế

Chuyển đổi số ngành ngân hàng và những đột phá trong năm 2024

Trong thập kỷ qua, thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, từ việc chuyển khoản cơ bản đến các giao dịch số phức tạp qua mã QR và sinh trắc học, phổ biến cả ở vùng sâu, vùng xa. Đáp ứng mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, như mức tăng 59,05% về số lượng giao dịch không dùng tiền mặt trong 8 tháng đầu năm 2024 so với năm trước.

Tính đến nay, 87% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng, với 138 triệu thẻ và 1,8 triệu điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. Bảo mật cũng được nâng cao với sinh trắc học bắt buộc cho giao dịch trên 10 triệu đồng từ tháng 7/2024 và mở thẻ ngân hàng từ tháng 10/2024, giúp giảm 50% các vụ lừa đảo.

Cơ sở hạ tầng ngân hàng đã được mở rộng với hơn 21.000 ATM và 671.000 POS, và thanh toán QR Code xuyên biên giới với Thái Lan, Campuchia, Lào. Ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, thẻ căn cước công dân, và tài khoản định danh điện tử để tăng cường an ninh và thuận tiện cho người dân.

Anh-chup-man-hinh-1014

An Cường tiên phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

An Cường đã có một hành trình phát triển đầy ấn tượng gần 30 năm, với vai trò tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi xanh, góp phần định hình tương lai ngành gỗ công nghiệp tại Việt Nam. Không chỉ tập trung vào cải tiến quy trình sản xuất, An Cường còn đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm phát triển bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường và khách hàng.

An Cường là một trong những doanh nghiệp gỗ đầu tiên tại Việt Nam triển khai công nghệ SAP/HANA để chuyển đổi số, tối ưu hóa quy trình quản lý từ sản xuất đến phân phối. Hệ thống này giúp nâng cao khả năng ra quyết định thông qua theo dõi và phân tích dữ liệu, đồng thời tăng tính linh hoạt trong việc thích ứng với thị trường. Việc ứng dụng các hệ thống quản lý thông minh đã giúp An Cường giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực, cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của phát triển bền vững, An Cường đã đầu tư vào hệ thống pin mặt trời áp mái để giảm thiểu phát thải carbon, hướng tới mục tiêu NET ZERO. Chiến lược này giúp công ty tiết kiệm chi phí và giảm tác động đến môi trường. Những nỗ lực xanh hóa còn được công nhận qua chứng nhận ISO 14064 về kiểm kê phát thải khí nhà kính do Tập đoàn BSI của Anh Quốc cấp, cùng nhiều chứng nhận uy tín khác.

An Cường còn chú trọng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng bằng các sản phẩm có chứng nhận “Green Label” từ Singapore và “Green Guard” từ tổ chức UL, khẳng định tiêu chuẩn an toàn và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm của An Cường không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn hạn chế tình trạng phá rừng, bảo vệ hệ sinh thái.

Năm 2024, An Cường đã được vinh danh trong danh sách Doanh nghiệp Đạt Thương hiệu Mạnh Việt Nam của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, một minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực trong việc duy trì chất lượng, đổi mới và phát triển bền vững. Những danh hiệu và giải thưởng lớn này đã khẳng định vị thế của An Cường như một đối tác đáng tin cậy, luôn tận tâm với khách hàng và cam kết phát triển vì lợi ích lâu dài của cộng đồng và môi trường.

Tận dụng ưu thế của blockchain hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế số, xã hội số

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg, công bố Chiến lược Quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu chiến lược là xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín trong khu vực, duy trì 3 trung tâm thử nghiệm tại các thành phố lớn, đưa công nghệ chuỗi khối vào chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục, và ứng dụng blockchain vào nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, giáo dục, vận tải, thương mại, nông nghiệp.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ mở rộng hạ tầng chuỗi khối quốc gia, ban hành các tiêu chuẩn về ứng dụng blockchain và củng cố sức cạnh tranh quốc tế.

Anh-chup-man-hinh-1013

Việt Nam đối mặt bài toán giảm phát thải đi kèm đánh đổi về tăng trưởng kinh tế

Tại Hội thảo “Mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với Việt Nam. Chính phủ đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại COP26 và chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch.

Các mô hình phân tích cho thấy Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm phát thải. Theo một mô hình được áp dụng thử nghiệm, nếu thực hiện các kịch bản giảm phát thải, GDP năm 2050 có thể giảm từ 16-17% so với kịch bản phát triển bình thường.

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi phát thải thấp. Dự án Committed với sự tham gia của nhiều đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam xây dựng các mô hình giảm phát thải hiệu quả.

Pin mặt trời Trung Quốc giá rẻ ngập tràn châu Âu

Châu Âu đang phụ thuộc lớn vào tấm pin quang điện mặt trời từ Trung Quốc, với 98% nhập khẩu từ quốc gia này, theo số liệu của Eurostat. Năm 2023, EU đã chi 19,7 tỷ euro nhập khẩu pin mặt trời từ Trung Quốc, so với con số dưới 4 tỷ euro vào năm 2018. Việc dỡ bỏ thuế quan đối với pin mặt trời Trung Quốc vào năm 2018 đã khiến hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường châu Âu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chi phí sản xuất tại Trung Quốc thấp hơn 35-65% so với EU, làm tăng thêm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhập khẩu. Mặc dù EU cũng xuất khẩu một số pin mặt trời và có sự tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng gió, khả năng tiếp cận lưới điện vẫn là rào cản đối với việc phát triển năng lượng tái tạo.

Các chuyên gia nhấn mạnh, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu là yếu tố quan trọng để EU đạt được sự độc lập về năng lượng trong quá trình chuyển đổi xanh.

markus-spiske-rnn-tu8dvoy-unsplash-1-1200x801-30294

Na Uy biến đồ cũ, rác thải thành tài nguyên

Na Uy đã thiết lập một hệ thống kinh tế tuần hoàn tiên tiến, trong đó mua bán đồ cũ và tái chế rác thải trở thành một phần quan trọng của văn hóa tiêu dùng. Gần đây, quốc gia này đã cải cách luật về mua bán đồ cũ nhằm thúc đẩy tính bền vững và tạo cơ hội kinh doanh mới cho người dân. Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về tác động môi trường từ ngành dệt may, với việc người dân Na Uy nhập khẩu tới 88.233 tấn quần áo và giày dép vào năm 2022.

Luật thương mại đồ cũ, ban đầu được thông qua vào năm 1999, đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng đã qua sử dụng do yêu cầu lưu trữ hàng hóa và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, các quy định này đã được nới lỏng đối với hầu hết các mặt hàng trừ ô tô, đồ văn hóa, đá quý và kim loại. Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Na Uy Cecilie Myrseth, đây là bước tiến quan trọng nhằm giảm thiểu chi phí cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Na Uy cũng đang hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải và sử dụng lại tài nguyên qua nhiều sáng kiến xanh. Một trong những thành công lớn của quốc gia này là hệ thống phân loại rác thải tại nguồn, với khả năng tái chế lên tới 97% rác thải nhựa vào năm 2020. Các sáng kiến như chuyển đổi rác thải thành nhiên liệu cho xe buýt và phân bón hữu cơ cho nông nghiệp đã giúp Na Uy đi trước các nước EU khác về bảo vệ môi trường.

Không chỉ tập trung vào rác thải nhựa, Na Uy còn thúc đẩy sử dụng các sản phẩm tái chế và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển các giải pháp bền vững hơn. Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” được áp dụng rộng rãi để các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm, tạo điều kiện cho việc tái sử dụng và giảm thiểu rác thải.

Na Uy cũng đóng vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế về phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản và năng lượng. Nước này đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Thủy sản năm 2003 và hiện đang hợp tác trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và ngành điện gió ngoài khơi. Ngành xi măng của Na Uy cũng đã thay thế 75% than bằng chất thải, đồng thời hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ đồng xử lý trong sản xuất xi măng để giảm phát thải và hạn chế sự phụ thuộc vào than đá.