Tin phát triển bền vững ngày 28/11: Vùng phát thải thấp - Kỳ vọng giảm ô nhiễm không khí của Hà Nội

VOH - Bài học từ chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam

“Vùng phát thải thấp”: Kỳ vọng giảm ô nhiễm không khí của Hà Nội

Theo báo cáo, nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội giai đoạn 2016-2020 vượt gấp đôi quy chuẩn quốc gia, với 30,5% số ngày AQI ở mức kém hoặc rất xấu. Nguồn ô nhiễm lớn nhất là giao thông đường bộ, chiếm 58-74% lượng bụi PM2.5. Thành phố hiện có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, tăng trung bình 5% mỗi năm, trong khi hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu.

Nhằm giảm ô nhiễm, Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết về “vùng phát thải thấp” – khu vực hạn chế các phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải. Dự kiến, chính sách sẽ được áp dụng thí điểm từ đầu năm 2025 và mở rộng phân vùng hạn chế xe máy đến năm 2030.

Thành phố cũng tập trung phát triển giao thông xanh, khuyến khích sử dụng xe buýt điện và các phương tiện thân thiện với môi trường. Đề án chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035 đang được triển khai.

Các chuyên gia đề xuất hoàn thiện hạ tầng giao thông công cộng, tăng tiện ích cho người dùng, áp dụng mức phí cao với phương tiện cá nhân tại vùng phát thải thấp và hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện. Chính sách này kỳ vọng cải thiện chất lượng không khí bền vững cho Hà Nội.

Điện hạt nhân – từ chỗ bị xa lánh đến giải pháp cho bài toán năng lượng sạch

Năng lượng hạt nhân đang dần thay đổi hình ảnh từ một nguồn năng lượng bị “xa lánh” sang một giải pháp tiềm năng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tại hội nghị COP28, 22 quốc gia cam kết tăng gấp ba công suất hạt nhân toàn cầu vào giữa thế kỷ này, với sự tham gia từ cả các nước phát triển như Mỹ, Pháp và những quốc gia chưa từng có nhà máy điện hạt nhân như Kenya hay Nigeria. Mặc dù vẫn vấp phải nhiều chỉ trích về chi phí và rủi ro, năng lượng hạt nhân được đánh giá là nguồn điện ổn định, không phát thải carbon, đóng vai trò bổ sung cho năng lượng tái tạo. Với sự hỗ trợ từ các chính sách và hợp tác quốc tế, ngành công nghiệp này có thể vượt qua những rào cản lớn để góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

dien-hat-nhan-1

Kế hoạch kinh tế tuần hoàn của EU tạo “bước nhảy” cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Sau 4 năm thực thi, EVFTA đã nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - EU từ 49 tỷ USD lên gần 64 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu mở rộng từ các nước trọng điểm như Pháp, Hà Lan sang Đông Âu, Bắc Âu và Nam Âu.

Tuy nhiên, các chính sách xanh của EU, như Kế hoạch Hành động Kinh tế Tuần hoàn (CEAP) và quy định ISPR, đang đặt ra thách thức lớn. Những yêu cầu khắt khe về hộ chiếu kỹ thuật số (DPP) và sản phẩm bền vững ảnh hưởng đến ngành dệt may, da giày, và nhựa.

Dù chi phí tuân thủ cao, đây là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến, thu hút khách hàng có xu hướng tiêu dùng bền vững. Chuyên gia khuyến nghị tăng cường đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật xanh để đáp ứng tiêu chuẩn EU.

Bài học từ chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam

Từ năm 2020, Việt Nam đã ký kết chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến nhận 51,5 triệu USD vào tháng 3/2024. Khu vực Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên đã giảm phát thải 15,3 triệu tấn khí nhà kính, trong đó 70.000 chủ rừng được hưởng lợi từ gần 400 tỷ đồng chi trả.

Việt Nam đang đàm phán thêm thỏa thuận với Tổ chức Emergent, dự kiến tạo ra 20 triệu tín chỉ carbon giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, thách thức lớn là thiếu cơ chế thị trường tín chỉ carbon chính thức, dự kiến chỉ hoàn thiện vào năm 2028.

Cơ hội mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng bao gồm tăng hợp tác quốc tế và thí điểm xuất bán, với giá tín chỉ dao động 5-10 USD/tấn. Lợi ích kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia đang thúc đẩy Chính phủ sớm quyết định triển khai cơ chế giao dịch tự nguyện.

rungtrong-5762

Bình luận