Chờ...

TP.HCM hướng tới nền kinh tế xanh với phát thải ròng bằng “0”

VOH - TP.HCM xác định phải là địa phương tiên phong trong chuyển đổi xanh, đi đầu trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26.

TP HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước.

Những năm qua, TP.HCM còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nằm trong 10 thành phố lớn trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Dù có quy mô lớn nhưng nền kinh tế của TP.HCM chủ yếu phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa. Đặc biệt, TP.HCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước (chủ yếu từ năng lượng và giao thông).

TP.HCM hướng tới nền kinh tế xanh với phát thải ròng bằng “0” 1
TPHCM tiên phong trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững: Ảnh minh hoạ

Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Trước nhiệm vụ phải lấy lại đà tăng trưởng và trước những thách thức mang tính thời đại, TP.HCM cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng; có trách nhiệm, tiên phong trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; đồng thời, nhận nhiệm vụ là địa phương đầu tiên, có trách nhiệm lớn nhất trong thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ về mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

 Sở TN-MT cũng đã thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện triển khai nhiều hoạt động nhằm cắt giảm khí nhà kinh KNK, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như triển khai kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; kêu gọi cá nhân, tổ chức thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất xanh, sản xuất sạch, hướng đến sự phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Sở GTVT TPHCM cũng đã thí điểm tổ chức kiểm tra khí thải cho gần 11.000 xe máy; khảo sát điều tra ý kiến của gần 7.300 người dân và các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố. Kết quả, hầu hết ý kiến đều đồng ý, ủng hộ chính sách kiểm soát khí thải xe máy để giảm ô nhiễm môi trường, góp phần giảm KNK.

Sở GTVT cũng đã đề xuất với UBND TPHCM kế hoạch dài hơi cho lộ trình kiểm soát khí thải xe máy. Theo đó, từ nay đến hết năm 2024 sẽ tiến hành thử nghiệm việc kiểm soát khí thải xe máy; giai đoạn 2025-2026 sẽ triển khai một phần, giai đoạn 2027-2030 sẽ triển khai toàn phần.

Theo TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia,  TP.HCM, không có con đường nào khác là phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đô thị xanh. Đồng thời, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số chính là 2 vấn đề sống còn của TP.HCM.

Theo TS. Trần Du Lịch, TP.HCM cần phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ hàng loạt các giải pháp: phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển đô thị xanh; cơ cấu, phát triển giao thông công cộng, giảm xe cá nhân, ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch; bước đầu chuyển đổi ngay 5 khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái; đẩy nhanh phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi.

“TP.HCM cần có chính sách và cơ chế giám sát yêu cầu doanh nghiệp tập trung đổi mới công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng trên một đơn vị giá trị gia tăng. Theo thống kê hiện nay, chỉ cần toàn bộ doanh nghiệp sản xuất đổi mới công nghệ sẽ có khả năng tiết kiệm 30% năng lượng tiêu hao, từ đó không tăng phát thải nhà kính” - TS. Trần Du Lịch cho biết thêm.

Theo ý kiến của ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu phát triển TP.HCM, để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, TP.HCM cần có những cơ chế chính sách đồng bộ nhằm huy động tốt nguồn lực trong và ngoài nước. Ngay từ lúc này, thành phố cần yêu cầu các doanh nghiệp liên kết chuyển đổi mô hình sản xuất, xây dựng các tiêu chuẩn xanh và kết hợp phát triển kinh tế số.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP.HCM sẽ thực hiện đúng lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

TP.HCM sẽ thực hiện hiệu quả cơ chế tài chính triển khai thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. TP.HCM sẽ đảm bảo xây dựng sàn trao đổi tín chỉ các-bon theo dạng ETS đạt được thí điểm vào năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028 theo lộ trình của Chính phủ.

Hiện tại, TP.HCM đang tập trung kiểm kê 140 doanh nghiệp phải kiểm kê phát thải khí nhà kính trong 4 lĩnh vực: công thương, năng lượng, xây dựng và môi trường. Một số doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách này, gồm: Công ty TNHH Điện tử Samsung, Tổng Công ty Việt Thắng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Trung tâm Thương mại Saigon Centre, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước...