Việt Nam thu về 41,2 triệu tiền mua tín chỉ carbon
Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng).
Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam không chỉ đúng với xu hướng của thế giới, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, đồng thời mang lại nguồn lợi tài chính cho Việt Nam phục vụ cho công tác bảo vệ rừng.
Tín chỉ carbon rừng là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Các dự án tín chỉ carbon rừng thường được triển khai ở các khu vực có nguy cơ mất rừng ca hoặc nơi có nguy cơ chuyển đổi rừng thành đất canh tác, đô thị hóa hoặc khai thác gỗ trái phép. Các hoạt động trong dự án có thể bao gồm khôi phục rừng tự nhiên, trồng rừng mới, quản lý bền vững rừng hoặc hạn chế khai thác gỗ.
Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc WB và Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD tương đương 249 tỷ đồng sẽ thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.
Trong 6 tỉnh tham gia chương trình, với đợt thanh toán đầu tiên, Nghệ An là tỉnh được giải ngân hơn 282 tỷ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỷ đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỷ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng.
Bên cạnh số tín chỉ đã bán, WB đã xác nhận kết quả giảm phát thải toàn vùng Bắc Trung Bộ kỳ 1 (1/1/2018-31/12/2019) đạt 16,21 triệu tấn CO2 (tương đương 16,21 triệu tín chỉ). Trong đó, lượng chuyển nhượng theo ERPA đã ký là 10,3 triệu tấn CO2, ngoài ra, WB cũng muốn mua bổ sung 1 triệu tấn CO2.
Còn 4,91 triệu tấn CO2, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang xin Chính phủ chấp thuận cho xây dựng phương án trao đổi, chuyển nhượng, thương mại để tạo nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại vùng Bắc Trung Bộ.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nguồn tiền thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ dùng để chi trả cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên, các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến GPT khí nhà kính để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Tiềm năng thị trường và nhu cầu thương mại carbon rừng
Theo Báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt 4.130,4 tỉ đồng. Năm 2023, diện tích trồng rừng vượt 2% so với kế hoạch.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện có hơn 25 triệu dân Việt Nam đang sống phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi nguồn tài chính thiếu ổn định và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của ngành. Trong bối cảnh đó, thị trường carbon được coi như là một trong những cơ chế tài chính hiệu quả để giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ rừng và nâng cao trữ lượng carbon từ các bể chứa carbon khác như đất than bùn và đất ngập nước.
Trên thế giới, trong giai đoạn 2017 - 2019, đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường carbon rừng với gần 400 triệu USD được tạo ra từ những giao dịch thị trường các-bon tự nguyện toàn cầu; ít nhất 5,9 tỷ USD đã được chi trả cho các dự án bồi hoàn carbon rừng trên toàn thế giới và ít nhất 1,3 tỷ USD được các bên tăng cường giải ngân hoặc ký hợp đồng để hỗ trợ các nước đang phát triển bảo vệ rừng.
Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02%, là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon, được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon rừng. Theo các nhà phân tích, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.
Tiềm năng thị trường và nhu cầu thương mại carbon rừng tại Việt Nam là khá lớn. Để thúc đẩy thị trường carbon rừng trên phạm vi trong nước và quốc tế, bắt buộc và tự nguyện, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nhằm tận dụng các cơ hội, góp phần đạt được mục tiêu Thỏa thuận Paris cũng như giúp tiếp cận với nguồn tài chính quốc tế góp phần nâng cao đời sống cho người dân thông qua nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển ổn định, bền vững…
Nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi tín chỉ carbon rừng nói riêng và tín chỉ carbon nói chung, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý và tiến tới vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025, trước khi đưa sàn này chính thức hoạt động vào 2028.