20% nhân lực ngành du lịch chưa qua đào tạo chính quy

(VOH) - Ngày 12/4, tại TPHCM, Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam, sự kiện lần đầu tiên được tổ chức nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch.

Tham dự chương trình có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và thành phố, các Sở Du lịch của các tỉnh thành trên cả nước cùng nhiều cơ sở đào tạo ngành du lịch.

Tại diễn đàn, các đại biểu thảo luận về những nội dung xoay quanh 3 chủ đề chính: Đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch; Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành du lịch; Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn nguồn nhân lực du lich Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn

Theo Ban Tổ chức, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã dần được nâng cao. Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến đại học. Riêng TPHCM có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng, và 19 trung cấp).

Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực du lịch dần được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của ngành.

Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như quy mô đào tạo tăng mạnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao. 

Thống kê sơ bộ từ ngành du lịch Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, đòi hỏi mỗi năm phải đào tạo khoảng 25.000 lao động mới, đồng thời phải đào tạo lại số lượng nhân lực tương tự. 

Nước ta có khoảng 1,3 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch, chiếm 2,5% tổng số lao động của cả nước, trong đó có khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. 

Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và giữa các chủ thể chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Các chính sách và hành lang pháp lý cho tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự phù hợp.

Lãnh đạo TPHCM cam kết hành động quyết liệt, chuyển góp ý thành hành động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý Nhà nước, quản trị du lịch; đa dạng hóa hình thức đào tạo, nghiên cứu đãi ngộ xứng đáng, để quyết tâm đưa TP HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tại diễn đàn cũng đã diễn ra lễ ký kết liên kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa các trường đại học tại TPHCM: Đại học Hoa Sen, Đại học Hồng Bàng, Đại học Ngoại ngữ Tin học TPHCM, Đại học Công nghệ TPHCM, Nguyễn Tất Thành, Kinh tế TPHCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Đại học Văn Lang, Đại học Kinh tế - Luật TPHCM.