2017: phải đảm bảo nợ xấu dưới mức 3%  

(VOH) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Ảnh: TBKTVN

Đối với công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC), ngân hàng Nhà nước yêu cầu tập trung rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp.

Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh thông tin: “Về định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng, chúng tôi đề ra trong năm 2017 tăng trưởng thấp nhất 18%. Về nợ xấu, phải đảm bảo dưới mức 3%. Thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu các ngân hàng, đảm bảo các ngân hàng thương mại yếu kém phải được xử lý, kiểm soát, hỗ trợ để từ đó có điều kiện vượt quá khó khăn và tiếp tục phát triển”.

Triển khai đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ; phối hợp với tổ chức tín dụng bán nợ khởi kiện khách hàng vay "chây ỳ", không hợp tác trong việc trả nợ, phối hợp với cơ quan thi hành án thu giữ tài sản và thi hành các bản án đã có hiệu lực; thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu đã mua; hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các dự án dở dang; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, tăng cường năng lực định giá, đánh giá tài sản; phối hợp với tổ chức tín dụng thường xuyên tổ chức bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật…

Trong Nghị định 34 của Chính phủ, có ý kiến cho rằng có nhiều điều khoản nhằm tăng sức mạnh cho VAMC để xử lý nợ xấu, về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: “việc đưa tên công ty quản lý và mua bán nợ vào thì nó hình thành ưu đãi, đặc quyền riêng cho công ty này… Vì bản thân công ty đã là một cơ chế đặc thù, một mình đã mua hơn 226.000 tỷ đồng nợ xấu, không có công ty nào mua được nhiều như thế. Và khi họ đã mua được nhiều thì mình phải có chính sách quản lý chặt chẽ để thanh khoản tốt hơn, giúp đúng mục tiêu, làm cho nợ xấu của các tổ chức tín dụng giảm”.

Trong năm qua, tỷ lệ nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%. Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã thực hiện mua hơn 800 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc trên 23.000 tỷ đồng, giá mua nợ là gần 22.500 tỷ đồng. Trong năm 2017, đơn vị này dự kiến mua khoảng 25.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và tập trung xử lý khoảng 33.000 tỷ đồng. Trong đó, sẽ tập trung vào tái cơ cấu lại nợ, xử lý phân loại để phát mại tài sản và thu hồi nợ.