5 mặt hàng ngành lương thực thực phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao trên 3 tỷ đô la Mỹ

(VOH) - Có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trên 3 tỷ đô la Mỹ, gồm: tôm, rau quả, hạt điều, gạo. Đây là những con số rất ấn tượng cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2020.

Thông tin được công bố tại “Hội nghị tổng kết năm 2020 và kế hoạch hoạt động năm 2021” vào chiều 14/1 do Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) tổ chức.  

Trong bức tranh kinh tế chung, nông nghiệp góp phần là điểm sáng quan trọng, khẳng định vai trò là trụ cột của nền kinh tế vào những lúc khó khăn khi tăng trưởng đạt 2,68%, cao hơn mức hơn 2% của năm 2019 và xuất khẩu liên tiếp xác lập kỷ lục mới khi tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt hơn 41 tỷ đô la Mỹ, tăng 2,5% so với năm 2019 và thặng dư thương mại toàn ngành đạt hơn 10 tỷ đô la Mỹ, tăng 6,5%.

Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính có mức giảm nhẹ, chỉ đạt 18,5 tỷ đô la Mỹ, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 và thủy sản chỉ đạt 8,47 tỷ đô la Mỹ, giảm 0,8% nhưng điều đáng mừng là có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trên 3 tỷ đô la Mỹ, gồm: tôm đạt 3,66 tỷ đô la Mỹ; rau quả đạt gần 3,35 tỷ đô la Mỹ; hạt điều đạt 3,24 tỷ đô la Mỹ; gạo hơn 3 tỷ đô la Mỹ. Đây là những con số rất ấn tượng cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2020.

lương thực thực phẩm, kim ngạch xuất khẩu, ngày 14 tháng 1 năm 2021
Các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã rất tích cực trong việc phủ kín hàng hóa các kênh phân phối truyền thống.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản. Riêng tại TPHCM, ngành nông lâm thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định ở mức hơn 2%.

Chỉ số phát triển công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm và đồ uống năm 2020 có giảm nhẹ so với cùng kỳ 2019 khi giảm 0,7%. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là bởi phân ngành sản xuất đồ uống giảm sâu 5,7%, khi chịu tác động kép từ Nghị định 100/2019 ngày 30/12/2019 của Chính phủ và đại dịch Covid-19. Trong khi đó phân ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng trưởng khả quan khi tăng 2,2%. Đặc biệt, chỉ số tiêu thụ các sản phẩm chế biến thực phẩm tăng 4,3%. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành chế biến thực phẩm đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của bốn ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và ngành công nghiệp thành phố nói chung.

Đáng chú ý, giữa thời điểm khó khăn, dịch bệnh, ABC Bakery, Acecook, Sài Gòn Food, Cholimex, Vinamilk, San Hà, Ba Huân,… đã không thụ động mà chủ động nghiên cứu, tìm cơ trong nguy và triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp khác nhau vượt qua khủng hoảng, giảm thiểu thiệt hại như tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; điều chỉnh các dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn; sáng tạo ra sản phẩm mới sử dụng những nguyên liệu vốn là thế mạnh trong nước và nhiều giải pháp thích ứng mới. Điều này, không những giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt mà còn góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố, đây được xem như những điểm sáng phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã rất tích cực trong việc phủ kín hàng hóa các kênh phân phối truyền thống cũng như thực hiện chính sách bình ổn giá theo chỉ đạo của Thành phố tạo sự an tâm trong người tiêu dùng, góp phần kích thích sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố cho biết: “Chúng tôi cùng với Thành phố tạo nên được một thị trường không để cho người dân phải thiếu lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, giữ vững được giá và ổn định được thị trường trong suốt thời gian xảy ra dịch. Điều đáng trân trọng nhất là tất cả doanh nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm cùng với chính quyền hợp tác để nâng cao và chăm lo được đời sống nhân dân, tìm mọi phương cách để mà giải cứu những nông sản, những thực phẩm bị tồn đọng”.

Về Đề án chuẩn hóa logo FFA theo tiêu chuẩn chất lượng, Hội Lương thực Thực phẩm đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 để hoàn thành các tiêu chí. Trước mắt, sẽ triển khai thực hiện chương trình “Kiểm soát dư lượng trong thực phẩm”; ban hành quy định về sử dụng nhãn an toàn thực phẩm đối với sản phẩm được công nhận phù hợp Tiêu chuẩn FFA của Hội Lương thực Thực phẩm. Đồng thời, công bố Tiêu chuẩn cơ sở Trứng gia cầm – Trứng gà tươi và đang lấy mẫu, đánh giá công nhận, tiến tới dán nhãn FFA đối với một số đơn vị thuộc nhóm trứng gia cầm..

Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn nhằm mục tiêu phục vụ doanh nghiệp trong việc kiểm định, khẳng định chất lượng sản phẩm, nâng cao nhận dạng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đối với các thương hiệu hàng hóa từ các nước khác; đồng thời giúp các cơ quan Nhà nước dễ dàng hơn trong việc kiểm soát sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm theo đúng quy định, góp phần đẩy mạnh sự phát triển ngành Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM nói riêng và hoạt động phát triển của các doanh nghiệp ngành Lương thực Thực phẩm cả nước nói chung.