Chiều 07/08, tại Trung tâm Hội chợ và Triểm lãm Sài Gòn, Hội Lương thực Thực phẩm TP và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM phối hợp tổ chức buổi Hội thảo Cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng ngành lương thực thực phẩm.
Toàn cảnh Hội thảo Cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng ngành lương thực thực phẩm.
Theo các chuyên gia trong ngành, năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản chủ lực đạt gần 27 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, nhóm hàng nông sản chủ lực xuất khẩu đạt 12,3 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch từ 3 tỷ đô la Mỹ trở lên như thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều và gạo.
Đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đến 200 thị trường, trong đó có nhiều thị trường phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...
Dự kiến đến năm 2050, dân số thế giới hơn 9 tỷ người, do đó nhu cầu lương thực thực phẩm cần tăng 70%.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng Phòng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, vẫn có nhiều cơ hội cho xuất khẩu, vì theo các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU sẽ tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp có thêm năng lực sản xuất nông thủy sản mới.
Chính phủ và các Bộ, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp...
Cơ hội và thách thức
Tuy nhiên, còn có những thách thức như thương mại toàn cầu năm 2019 vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Nguy cơ về một cuộc thương chiến giữa các cường quốc, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại. Chính phủ các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Úc, EU... áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU…
Ở trong nước, sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Có những sản phẩm không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam...
Hiện các bộ ngành đã và đang có những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu như tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý, mở cửa thị trường, tạo thêm “sân chơi” cho các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, về quy hoạch vùng sản xuất, khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, quản lý chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm trong nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như xây dựng, phát triển thương hiệu, cung cấp thông tin, khảo sát thị trờng, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết, kết nối doanh nghiệp với các đối tác, liên kết chuỗi phục vụ xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục, các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hiệu quả...
Ông Ramlan Osman, Giám đốc Vietnam Halal Center lưu ý, sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn Halal cho thị trường người Hồi giáo, giá trị khoảng gần 2 tỷ đô la Mỹ nhưng hiện mới chỉ đáp ứng gần 10% yêu cầu thị trường. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam./.