Chờ...

Áp dụng công nghệ thông tin trong Tổng điều tra kinh tế 2021

(VOH) - Bắt đầu từ ngày 1/3, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước.

Từ ngày 1/7 đến 30/7, tiến hành thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Dự kiến kết quả sơ bộ Tổng điều tra sẽ công bố vào tháng 12/2021 và kết quả chính thức công bố vào quý II/2022. Đây là 1 trong 3 cuộc tổng điều tra quan trọng do ngành thống kê thực hiện 5 năm 1 lần. Tại TPHCM, hiện Cục Thống kê TPHCM đang tiến hành công tác tổng điều tra tại các doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội, ngành hàng. Điểm mới và đáng chú ý nhất trong cuộc tổng điều tra kinh tế lần này là ứng dụng toàn bộ bằng công nghệ thông tin. Doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào trang web của Cục Thống kê Thành phố, có hướng dẫn chi tiết qua video clip để doanh nghiệp nắm và dễ dàng đăng nhập, kê khai thông tin theo yêu cầu, bấm lưu và gởi, rất đơn giản và tiện lợi mà không mất nhiều thời gian cho cả hai bên. Về phía doanh nghiệp, không phải kê khai, in ấn, đi lại nộp mất thời gian, hơn nữa, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê giúp cơ quan thống kê trên cả nước tổng hợp số liệu cực kỳ nhanh và chính xác… Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH phỏng vấn ông Võ Thanh Sang, Phó Cục Trưởng Cục Thống kê TPHCM, Thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế và Điều tra hành chánh TPHCM, Tổ trưởng tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế và Điều tra Hành chánh năm 2021 TPHCM.

*VOH:  Thưa ông, xin ông cho biết mục đích của cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 là gì?

Ông Võ Thanh Sang: Về mục đích của cuộc Tổng điều tra, tạm thời chúng ta chia thành 2 lĩnh vực, đó là Tổng điều tra kinh tế và Tổng điều tra đối với cơ sở Hành chính.

Về Tổng điều tra kinh tế: Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, sự nghiệp nhằm đáp ứng các mục đích sau:

Một là, đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương.

Hai là, tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2020 theo Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia.

Ba là, cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành Thống kê, các Bộ, ngành và địa phương.

Như vậy với mục đích trên, cuộc Tổng điều tra kinh tế lần này sẽ đo lường được sức khỏe của nền kinh tế nói chung và kinh tế Thành phố nói riêng sau quãng thời gian nền kinh tế đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt trong năm 2020 khi mà nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid 19. Có rất nhiều cách thức thống kê, chỉ tiêu, tiêu chí được cập nhật, nhưng với cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ phản ánh đầy đủ nhất, là nền tảng số liệu quan trọng trong việc phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội.   

Về Tổng điều tra Hành chính: Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 nhằm thu thập thông tin về số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính; kết quả thu, chi của cơ sở hành chính ở nước ta nhằm đáp ứng các mục đích sau:

Một là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

Hai là, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê chính thức năm 2020 của các chuyên ngành có liên quan đến khối cơ quan hành chính (số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính; kết quả thu, chi của cơ sở hành chính…).

Ba là, bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm, tính toán chỉ tiêu GDP, GRDP và các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước, từng địa phương.

Bốn là, cập nhật cơ sở dữ liệu và dàn mẫu tổng thể về cơ sở hành chính cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong những năm tiếp theo của ngành Nội vụ, ngành Thống kê, các Bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh.

Áp dụng công nghệ thông tin trong Tổng điều tra kinh tế 2021 1
Ông Võ Thanh Sang, Phó Cục Trưởng Cục Thống kê TPHCM trả lời phỏng vấn của Đài VOH

* VOH:  Tình hình triển khai công tác Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn TPHCM được triển khai như thế nào? Có khó khăn gì trong quá trình triển khai không, thưa ông?

Ông Võ Thanh Sang: Công tác Tổng điều tra sẽ được chia làm 2 giai đoạn, ở giai đoạn này chúng ta sẽ triển khai thu thập thông tin đối với khối doanh nghiệp và Hành chính sự nghiệp. Đến nay, Ban chỉ đạo Thành phố đã được triển khai đúng theo yêu cầu của Phương án của Trung ương. Trong đó Cục Thống kê đã phối hợp với Cục Thuế và các sở ngành để thực hiện rà soát danh sách các doanh nghiệp cũng như Hành chính sự nghiệp trước khi đối chiếu lại với danh sách của Tổng cục để thống nhất cập nhật danh sách nền lên trang Web.

Để thực hiện tốt yêu cầu Tổng điều tra, Ban chỉ đạo Thành phố đã xây dựng Kế hoạch và triển khai tuyên truyền rộng khắp trên các Phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, các trang báo của thành phố; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan để tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của từng ngành.

Xây dựng các văn bản, hướng dẫn để gửi đến các doanh nghiệp thông qua địa chỉ Email của từng doanh nghiệp và kế toán các đơn vị nhằm giúp cho các đơn vị vào đăng nhập và kê khai một cách thuận tiện;

Ban chỉ đạo cũng đã phân công cục thể cho từng điều tra viên phụ trách để hướng dẫn cho tất cả các doanh nghiệp đăng nhập vào chương trình, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp về phương pháp ghi phiếu điều tra trên trang Web.

Tổng điều tra lần này triển khai cho 100% doanh nghiệp và các đơn vị kê khai trên trang Web (Phiếu Webform), đây làm điểm đổi mới quan trọng nhất so với các cuộc Tổng điều tra trước, việc đổi mới lần này chính là điểm nhấn và chúng ta cần phải khai thác tôi đa để thông tin được công bố kịp thời.

Đến nay về cơ bản các doanh nghiệp đã được hướng dẫn việc kê khai phiếu điều tra.Tuy nhiên do số lượng doanh nghiệp của Thành phố khá nhiều (chiếm khoảng hơn 1/3 cả nước); các chỉ tiêu Thống kê lại khá đa dạng và phức tạp; số lượng phiếu của doanh nghiệp phải kê khai khá nhiều và khác nhau tùy theo từng ngành nghề kinh doanh nên trong quá trình kê khai của doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn, cụ thể như: Việc xác định mã ngành, mã sản phẩm/dịch vụ theo quy định của ngành Thống kê đối với doanh nghiệp là khâu khó nhất. Trong khi kế toán của doanh nghiệp có thể chưa hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ về ý nghĩa của các chỉ tiêu thống kê dẫn đến việc kê khai chưa chính xác.

Một số điều tra viên thuê ngoài tham gia hướng dẫn, đôn đốc điều tra chưa có kinh nghiệm trong công tác điều tra nên trong từng khâu xử lý còn có những vướng mắc, hạn chế; nhất là khi xử lý hỗ trợ các doanh nghiệp đa ngành, đa cơ sở.

Một khó khăn khác nữa đó là số doanh nghiệp phải đóng cửa, chuyển địa điểm, đang tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch CoVid nên rất khó tiếp cận để triển khai hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong công tác kê khai phiếu điều tra.

* VOH:  hững khó khăn trong tổng điều tra như đã nêu, theo ông, cần phải có sự phối hợp của các Sở ngành như thế nào? Ông có đề xuất gì để cuộc Tổng điều tra lần này đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Võ Thanh Sang: Để giải quyết tốt những hạn chế như đã nêu; Cục Thống kê Thành phố cơ quan đại diện cho Ban Chỉ đạo Thành phố rất cần có sự phối hợp, chỉ đạo quyết liệt của BCĐ các cấp; UBND các quận, huyện và các Sở, Ban, Ngành đặc biệt là cơ quan Thuế để cùng triển khai một cách đồng bộ. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đôn đốc các doanh nghiệp đang quản lý theo lĩnh vực, theo ngành thực hiện tốt nhiệm vụ kê khai thông tin thống kê.

Ban Chỉ đạo các cấp cần quán triệt và chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành thực hiện nhiệm vụ một cách quyết liệt, gắn trách nhiệm của mỗi đơn vị trong quá trình triển khai theo từng nội dung và thời gian cụ thể.

Đối với Cục Thuế, tôi đề nghị có những chỉ đạo kịp thời cho các Chi cục Thuế trong việc phối hợp với các chi cục Thống kê cùng cấp để triển khai và hỗ trợ đôn đốc các doanh nghiệp trong giai đoạn từ nay đến giữa tháng 4/2021. Cùng với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, đề nghị các điều tra viên đã được phân công cố gắng tối đa thời gian để hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp vào kê khai phiếu điều tra. Đồng thời nghiên cứu kỹ nghiệp vụ để hướng dẫn, giải thích và xử lý tốt nghiệp vụ theo yêu cầu của Phương án điều tra.

Đối với Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, cụ thể; phân công, phân nhiệm và giám sát kiểm tra việc thực hiện của từng thành viên để có căn cứ khen thưởng và xử lý kỷ luật nếu có.

Cục Thống kê cũng đề nghị giám đốc, người phụ trách các Khu Công nghiệp, Khu Chế suất, Khu Công nghệ cao, Khu Phần mềm Quang Trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra đến các doanh nghiệp đang đóng trong các khu vực này.

Cùng với sự chỉ đạo của các Sở, Ban, Ngành, UBND các cấp, BCĐ Thành phố rất mong sự hợp tác của Quý doanh nghiệp, các Đại lý Thuế cùng lực lượng Kế toán đang làm việc trong các doanh nghiệp kê khai thông tin thống kê đầy đủ, chính xác theo đúng quy định. Những thông tin do các doanh nghiệp cung cấp sẽ góp phần xây dựng nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng;

Cục Thống kê Thành phố, cơ quan đại diện chủ trì về nghiệp vụ Tổng điều tra xin ghi nhận và gửi lời cảm ơn tới tất cả Quý doanh nghiệp; Ban chỉ đạo các cấp; các Sở, Ban, Ngành và UBND các cấp đã và sẽ phối hợp với ngành Thống kê để hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổng điều tra lần này.   

* VOH:  Xin cảm ơn ông