Bản tin Đầu tư - Tài chính 5/4: Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế VN đạt 5,3%

VOH - Sáng 5/4, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức họp báo trực tuyến ra mắt Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 với chủ đề "Đương đầu bão tố."

Báo cáo phân tích bối cảnh kinh tế đến thời điểm này và trình bày triển vọng năm 2022 đối với toàn khu vực và từng quốc gia. Riêng đối với Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, ông Aaditya Mattoo nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà WB đã phải điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu dự báo về tăng trưởng.

Bản tin tài chính 5/4: Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,3% 1
Ảnh minh họa.

Ông Aaditya Mattoo cho biết mặc dù tháng 10/2021, WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trong năm 2022 là 6,5% nhưng đến nay WB dự báo chỉ còn 5,3%. Tuy nhiên, đó chỉ là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%.

Lý do WB điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua là bởi vì những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đối phó với biến chủng Omicron, dẫn tới số lượng các ca nhiễm mới tăng rất cao.

Thêm nữa, Việt Nam cũng chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu dầu với giá trị lên tới 3% GDP.

Sau VinFast, thêm một hãng ô tô ‘khai tử’ xe sử dụng động cơ đốt trong

Tương tự VinFast tại Việt Nam, hãng xe Trung Quốc - BYD vừa lên kế hoạch dừng sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong để tập trung nguồn lực vào các dòng xe thuần điện cũng như xe hybrid sạc điện.

Trước xu hướng điện khí hoá ô tô đang diễn ra rầm rộ trên thế giới, nhiều nhà sản xuất đã quyết định dừng sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong để tập trung nguồn lực vào các dòng xe thuần điện. Sau VinFast của Việt Nam, mới đây đến lượt hãng ô tô Trung Quốc - BYD theo đuổi chiến lược này.

Đến thời điểm hiện tại, BYD là nhà sản xuất ô tô thứ 6 trên thế giới (cùng với Volvo, Ford, General Motors, Mercedes-Benz và Jaguar Land Rover) đã đăng ký chiến dịch toàn cầu nhằm loại bỏ dần các loại xe động cơ đốt trong vào năm 2040.

Nhà đầu tư khó khăn đăng nhập tài khoản chứng khoán, tiền chảy ra khỏi 'họ FLC'

Nhiều nhà đầu tư phản nh gặp khó khăn khi đăng nhập tài khoản chứng khoán VPS, khi vào được rồi lại không hiện sổ lệnh mua bán cổ phiếu trong phiên sáng nay 5/4. Tiền bắt đầu bị chảy ra khỏi cổ phiếu 'họ FLC' sau hai phiên tăng đột biến.

Bản tin tài chính 5/4: Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,3% 2
Ảnh minh họa: TPO

Ở phiên giao dịch 5/4, chỉ số chứng khoán được khởi đầu trong sắc xanh, sau đó đảo chiều giảm điểm, rồi tiếp tục dùng dằng quanh mốc 1.527 điểm.

Áp lực bán đè nặng lên các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup)... Đáng chú ý, hàng loạt cổ phiếu "vua" nhóm ngân hàng đang bị nhà đầu tư mang ra bán, khiến giá bị rớt, điển hình trong số đó là: TCB (Tecombank), VPB (VPBank), VIB (VIB), ACB (ACB), BID (BIDV)...

* Nội dung này được phát sóng trên kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Giao thông, tin tức mỗi ngày cùng Nhịp Sống Sài Gòn tần số VOH Fm95.6Mhz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/

Bình luận