Nghe Bản tin Đầu tư - Tài chính sáng 1/4
Chứng khoán ngày 31/3: Cổ phiếu vốn hóa lớn tăng góp phần giữ thị trường
Thị trường hôm qua (31/3) chứng kiến diễn biến có phần ảm đạm về phiên chiều, lực cầu tham gia nhanh chóng suy yếu, lực bán tiếp tục gia tăng mạnh.
VN-Index có thời điểm giảm hơn 2 điểm, tuy nhiên sau đó dòng tiền nhanh chóng tham gia lại đẩy chỉ số VN-Index trên 1.490 điểm.
Trong phiên giao dịch hôm qua ghi nhận nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, VIC, VNM, SAB, MWG, PNJ, VNM, VRE… tăng; đáng chú ý, VNM bứt phá mạnh hơn 6%, góp phần tăng điểm cho thị trường.
Đóng cửa giao dịch, VN-Index tăng 1,64 điểm lên 1.492,15 điểm. Toàn sàn có 179 mã tăng, 261 mã giảm và 60 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,57 điểm xuống 449,62 điểm. Toàn sàn có 83 mã tăng, 156 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,16 điểm lên 117,04 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 29.116 tỷ đồng; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 21.802 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 330 tỷ đồng ở sàn HoSE, tập trung vào các mã VNM, DGC, VRE, DCM…
Các thị trường chứng khoán châu Á phiên 31/3 diễn biến trái chiều
Các thị trường chứng khoán châu Á phiên 31/3 diễn biến trái chiều sau khi các phát biểu của các quan chức Nga làm giảm hy vọng về tiến triển của các cuộc đàm phán với Ukraine, khiến xung đột tại Đông Âu có nguy cơ kéo dài.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) chốt phiên giảm 1,06%, hay 235,18 điểm, xuống 21.996,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,44%, hay 14,39 điểm, xuống 3.252,2 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,73%, hay 205,82 điểm, lên 27.821,43 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 0,4%, hay 10,91 điểm, lên 2.757,65 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á giảm sau ba phiên tăng mạnh và sau phát biểu từ các quan chức Nga làm giảm hy vọng về tiến triển trong đàm phán hòa bình với Ukraine.
Sri Lanka cúp điện kéo dài, chìm trong khủng hoảng kinh tế
Kể từ ngày 31/3, Sri Lanka bắt đầu cúp điện 13 giờ hằng ngày và nhiều bệnh viện phải dừng các ca phẫu thuật theo lịch vì thiếu thuốc, trong khi quốc gia này tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế.
Theo AFP, quốc gia Nam Á với 22 triệu dân đang trải qua khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu nhất.
Truyền thông địa phương đưa tin biểu tình diễn ra tại nhiều nơi yêu cầu cung cấp nhiên liệu cho xe cá nhân. Theo Reuters, giá cổ phiếu đóng cửa ngày 30/3 của Sri Lanka giảm 3,6%, sau khi giảm hơn 7% trong ngày khiến Sàn Chứng khoán Colombo tạm ngừng giao dịch 2 lần.
Sri Lanka cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ tháng 3/2020 nhằm tích trữ ngoại tệ để trả 51 tỉ USD nợ nước ngoài, dẫn đến thiếu hụt nhiều mặt hàng thiết yếu và tình trạng hàng hóa tăng giá.
* Nội dung này được phát sóng trên kênh Giao thông đô thị - VOH FM 95.6MHz - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.