Trang Bloomberg trích dẫn các thông tin cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,93% trong quý II vừa qua nhờ sự phục hồi của thương mại, gia tăng các hoạt động kinh doanh nhờ đầu tư nước ngoài.
Cùng chung nhận định, trang Business Today cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tăng tốc trong quý II nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 190 tỷ USD.
Về hoạt động sản xuất, trang the Star trích dẫn báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường S&P Global cho biết, tốc độ mở rộng của ngành sản xuất Việt Nam đã tăng tốc mạnh mẽ vào cuối quý II khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng ở mức nhanh nhất từ trước đến nay.
Việt Nam là ví dụ điển hình cho khả năng phục hồi kinh tế trong bối cảnh biến động tiền tệ toàn cầu và áp lực lạm phát, đó là nhận định từ trang Finimize. Sự phục hồi ổn định và tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Về triển vọng, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ nước ngoài dài hạn của Việt Nam ở mức BB+ với triển vọng ổn định nhờ dòng vốn FDI ổn định, mức nợ chính phủ thấp và hồ sơ nợ nước ngoài thuận lợi.
Dự báo về kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm, theo đánh giá trong báo cáo triển vọng đầu tư nửa cuối năm do Khối Dịch vụ Private Banking Toàn cầu HSBC vừa phát hành, Việt Nam đang sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ nửa cuối năm nhờ chu kỳ điện tử toàn cầu phục hồi và FDI tiếp tục tích cực. Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam tiếp tục lộ trình phục hồi thúc đẩy bởi chu kỳ điện tử toàn cầu.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) gần nhất tiếp tục cho thấy sản xuất mở rộng. Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu điện tử đang rất tốt. Tháng trước, điện tử tiêu dùng dẫn đầu, đóng góp 60% tăng trưởng xuất khẩu.
"Ở ASEAN, Singapore, Malaysia và Việt Nam đang củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành điện tử", James Cheo, Giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Khối Dịch vụ ngân hàng và Quản lý tài sản chuyên biệt toàn cầu HSBC nói.