Phải chăng thủ tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp còn rườm rà khiến doanh nghiệp dù gặp khó khăn vẫn không mặn mà?
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình cho rằng: Gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, trong đó có phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn là một chủ trương kịp thời, đúng hướng. Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Gói hỗ trợ này.
Nhiều doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được Gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng (Ảnh: Chính phủ)
Một trong những lý do khiến doanh nghiệp ái ngại và gặp vướng mắc, đó là một thủ tục phải liên quan đến nhiều bộ, ngành, bởi khi đó không biết Bộ nào sẽ giải quyết được vấn đề của mình. Trong dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, “cực chẳng đã” mới phải xin hỗ trợ từ Chính phủ, nếu chậm hỗ trợ một ngày thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Việc triển khai thực hiện đang là vấn đề. Làm sao đẩy nhanh triển khai, làm sao đơn giản hóa các thủ tục, làm sao tránh được sự nhũng nhiễu hoặc tham nhũng, tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện các giải pháp này, đó chính là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Chúng ta đều biết rằng trong bối cảnh khó khăn, sớm một ngày thì có thể doanh nghiệp sống nhưng chậm một ngày có thể doanh nghiệp không còn đứng vững nữa”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nguồn ngân sách nhiều địa phương không đủ để đáp ứng cho các doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Bộ Tài chính cân đối và cấp ngân sách cho các địa phương để thực hiện nhanh gói hỗ trợ này càng sớm càng tốt.
“Doanh nghiệp đã khó khăn nhưng vay tiền để hỗ trợ cho người lao động, trong khi đó, nguồn vốn của Nhà nước, của Chính phủ chưa cấp. Yêu cầu các tỉnh cấp ngân sách trong khi ngân sách tỉnh chưa đủ để trợ cấp thì đó cũng là một khó khăn. Doanh nghiệp luôn muốn bảo vệ quyền lợi của họ, không muốn lâm vào tình trạng nợ xấu hoặc bị phá sản. Chính vì thế, chủ trương là có nhưng tiền chưa đưa về được cho doanh nghiệp để trợ cấp cho người lao động, nếu bắt buộc doanh nghiệp phải làm điều này thì cần phải xem xét lại” – Đại biểu Phương nêu ý kiến.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền, đoàn Thái Bình cho rằng, sự chậm trễ trong quá trình thực hiện chính sách cần có sự phản hồi kịp thời từ người dân, doanh nghiệp để thấy những vướng mắc và điều chỉnh kịp thời: “Yêu cầu của thủ tướng Chính phủ là phải xử lý nhanh, hỗ trợ, giúp đỡ khó khăn là phải đúng lúc khó khăn. Bây giờ Chính phủ có nội dung đang bàn, có nội dung đã triển khai, thấy có vướng mắc thì người dân, doanh nghiệp phải chỉ ra, có kiến nghị cụ thể, đối thoại với người có thẩm quyền.
Các cơ quan quản lý nhà nước có thể áp đặt trình tự thủ tục có thể chưa phù hợp với thực tiễn nhưng phải từ thực tiễn đưa lên, có phản ánh từ dưới lên. Người dân, doanh nghiệp phải phản ánh xem vướng ở chỗ nào, cái gì cần điều chỉnh. Tôi nghĩ nếu người dân, doanh nghiệp không mặn mà thì hiệu quả của chính sách không đạt được”.
Đoàn lãnh đạo VOH thăm và tặng quà các nhà báo lão thành nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 - Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng ngày 18/6, VOH đã tổ chức đến thăm, tặng hoa và quà đến các cơ quan báo chí, các nhà báo, phát thanh viên từng làm việc ...
Tin tức tai nạn giao thông hôm nay 18/6/2020: Ôtô tông trực diện xe khách, 1 người chết - Đang lưu thông trên đường, xe ôtô con bất ngờ tông thẳng vào xe khách, khiến tài xế tử vong tại chỗ.