Bộ Công Thương đẩy mạnh thực thi nghị định mới: Bước đột phá trong phát triển năng lượng tái tạo

VOH - Hội nghị hướng dẫn thực thi các cơ chế mới, tạo diễn đàn để các bên cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp thúc đẩy lĩnh vực NLTT, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của VN.

Chiều ngày 25/11/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị quan trọng nhằm triển khai và hướng dẫn thực hiện các Nghị định của Chính phủ về đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo.

Đây là sự kiện nối tiếp sau Hội nghị thành công tại Cần Thơ ngày 22/11/2024, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường.

Hội nghị đã thu hút gần 300 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương; đại diện UBND, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ; các tập đoàn lớn như EVN, PVN, TKV; các tổ chức trong và ngoài nước; các doanh nghiệp phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Hội nghị tập trung vào ba Nghị định quan trọng là Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA); Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và Nghị định số 135/2024/NĐ-CP, quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

1

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, nhấn mạnh rằng ba Nghị định này là những cơ chế, chính sách đột phá nhằm tháo gỡ các khó khăn tồn tại trong ngành điện. Các Nghị định được ban hành đúng lúc, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

“Việc ban hành các Nghị định không chỉ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, mà còn tạo điều kiện để ngành điện đạt được sự minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, các cơ chế này sẽ hỗ trợ tăng cường hợp tác giữa các đơn vị phát điện và khách hàng lớn, hướng tới một thị trường điện cạnh tranh, minh bạch và phát triển toàn diện,” ông Vũ khẳng định.

Động lực cho chuyển dịch năng lượng và kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng xanh, sạch ngày càng gia tăng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững. Sự phát triển năng lượng tái tạo không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon và xây dựng nền kinh tế xanh.

z6067309302697_7182bd605ac9962ad9a7a097677e86e3

z6067332157640_50ee4903d2929c48de11f8b1b8133890

Các chuyên gia, diễn giả trình bày tại hội thảo

Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định mới trong ba Nghị định. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thực tiễn nhằm triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách này.

z6067797794478_cf85863fa9521eee42d66a332ee50a0c

Đại diện lãnh đạo Bộ công thương, EVN trao đổi và giải đáp thắc mắc tại hội nghị

Tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh rằng hệ thống điện Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mất cân bằng cung cầu trong những năm tới. Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sự phát triển kinh tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Bộ Công Thương đã đề xuất một loạt giải pháp

UBND các địa phương phải chủ động hướng dẫn và triển khai các quy định của Nghị định 115/2024/NĐ-CP, đảm bảo minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư và đưa các dự án năng lượng tái tạo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các tập đoàn điện lực và doanh nghiệp phát điện cần đẩy mạnh triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và phát triển điện mặt trời mái nhà, đồng thời tăng cường hợp tác để vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả.

Các hiệp hội và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đồng thời chủ động đầu tư và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án.

Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đẩy mạnh việc rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương.

Kỳ vọng vào sự phát triển bền vững

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và sự đồng thuận cao từ các đại biểu tham dự. Các ý kiến đều hướng tới mục tiêu thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách mới, đưa năng lượng tái tạo trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Với sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các bên, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được những thành quả đáng khích lệ trong việc phát triển ngành năng lượng tái tạo, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước,” ông Trịnh Quốc Vũ phát biểu.

Bình luận