Sáng 22-11, tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai các nghị định của Chính phủ nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Pháp chế, và Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), lãnh đạo UBND, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ; đại diện các tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cùng các tổng công ty điện lực và phát điện.
Tại hội nghị, Bộ Công Thương triển khai Nghị định số 80/2024/NÐ-CP ngày 3-7-2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; Nghị định số 135/2024/NÐ-CP ngày 22-10-2024 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; Nghị định số 115/2024/NÐ-CP ngày 16-9-2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ðấu thầu về chọn lựa nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài khẳng định, 03 Nghị định này là một bước đột phá trong chính sách phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam, được Chính phủ ban hành kịp thời nhằm góp phần thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững trong bối cảnh nhu cầu về sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng gia tăng, các yêu cầu khắt khe hơn về chuyển dịch năng lượng, phát triên kinh tế tuần hoàn trung hòa Cacbon, cùng với yêu câu bắt buộc phải bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, các quy định này có vai trò quan trọng không chỉ trong việc định hướng phát triền ngành điện nói riêng mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh cung cấp điện, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất cân bằng cung cầu điện trong những năm tiếp theo.
Việc xây dựng để ban hành được các cơ chế, quy định này không chỉ mang tính hiệu lực, hiệu quả thực thi mà còn đáp ứng được các yêu cầu phát triên kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhu cầu sử dụng điện xanh, sạch của các doanh nghiệp nói riêng, tuy nhiên, đây là các cơ chế mang tính tiên phong và rất mới ở Việt Nam, việc triển khai cần có thêm thời gian để các tô chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng hiệu quả và hiệu lực.
Để các quy định, cơ chế này đi vào thực tiễn, hiệu quả, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc, chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động đủ nguồn lực và thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định, cơ chế này nhằm phát huy tinh thần chủ động, thực hiện hiệu lực, hiệu quả trách nhiệm của địa phương tại mỗi quy định, cơ chế nêu trên. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện lực tham gia cùng nhau hợp tác chặt chẽ, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để thực thi một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích tổng thể cho toàn xã hội và quốc gia, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triên kinh tế-xã hội và làm nền tảng đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ nhận định việc Triển khai các Nghị định của Chính phủ là cấp thiết
Đại diện TP Cần Thơ, ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ, khẳng định rằng Hội nghị hôm nay là một sự kiện quan trọng, tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của các Nghị định mới. Đây là bước chuẩn bị cần thiết, nhằm nâng cao nhận thức, hành động cụ thể để chuyển đổi, sử dụng năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông cũng nhấn mạnh rằng TP Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, với giá trị sản xuất công nghiệp gần 5 tỷ USD, thương mại - dịch vụ gần 6 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu gần 2,2 tỷ USD. Những kết quả này không chỉ thể hiện quyết tâm phát triển của thành phố Cần Thơ mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và đất nước nói chung. Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo, vì vậy phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu cho tương lai phát triển bền vững của cả vùng.
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) chia sẻ về nhu cầu sử dụng điện.
Về bức tranh tăng trưởng sử dụng điện và nhu cầu sử dụng điện, ông Bùi Quốc Hoan - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết năm 2024 có mức tăng trưởng điện tăng vọt. Năm 2021 toàn miền Nam tăng trưởng khoảng 3%, năm 2022 phục hồi lên đến 8%, năm 2023 tăng trưởng điện thương phẩm khoảng 1,27 % và năm 2024 tăng trưởng điện ở các tỉnh phía Nam, trừ Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến là 10,2 %, riêng mức tăng của công nghiệp dự kiến khoảng 2 % và đây chính là một tín hiệu cho thấy áp lực sẽ rất lớn về nguồn cung điện, đáp ứng cho phát triển nền kinh tế của toàn miền. Do đó, việc nghị định 80, nghị định 135, 115 sớm đi vào cuộc sống là nhu cầu bức thiết.
Các chuyên gia, diễn giả tham gia hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, làm rõ nội dung, ý nghĩa cũng như định hướng triển khai các nghị định mới về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nhằm triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách mới hiệu quả hơn trong thực tiễn, góp phần nâng cao nhận thức và khả năng thực hiện của các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp, hướng tới việc đảm bảo hiệu lực và hiệu quả cao nhất trong quá trình triển khai, hướng tới một tương lai năng lượng bền vững và phát triển toàn diện cho Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cùng các diễn giả tham gia trả lời các câu hỏi tại Hội nghị
Cơ chế mua bán điện trực tiếp: Đây là một cơ chế mới, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam, sẽ làm thay đổi cách thức, phương thức mua bán điện hiện nay sang phương thức mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện; cơ chế này tạo điều kiện tối đa cho khách hàng sử dụng có thể chủ động trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp điện xanh, sạch cho nhu cầu sử dụng của mình, đồng thời gián tiếp hỗ trợ khách hàng trong việc thực hiện được các cam kết về tăng trưởng, sản xuất xanh, tiếp cận tốt hơn các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và mục tiêu phát triền bền vững của toàn cầu.
Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ: mặc dù điện mặt trời không mới, nhưng cơ chế này lại là cơ chế mới tại Việt Nam, cơ chế này sẽ thúc đẩy nhanh chóng đầu tư, phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam, qua đó sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong những năm tiếp theo.
Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, quy định này được ban hành rất kịp thời để tháo gỡ trực tiếp những khó khăn tồn tại trong quá trình phát triển đầu tư và triển khai các dự án điện tại Việt Nam, đặc biệt là công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện để các địa phương có thể khẩn trương tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện.