Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ đô la Mỹ, trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân, mà chính là cộng đồng doanh nghiệp FDI.
Vấn đề đặt ra là làm sao huy động và hội tụ được các nguồn lực, thúc đẩy được những nỗ lực, sáng kiến và hành động không ngừng của các bên liên quan, tạo ra nguồn sức mạnh cộng hưởng với phương châm “một hành động nhỏ, nhiều thay đổi lớn”.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển năm 2022 (Vietnam Connect Forum), đánh giá về nỗ lực đóng góp của các địa phương và doanh nghiệp trong việc thực thi chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ: "Đối với địa phương và doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cũng như các doanh nghiệp đã tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững. “Xanh” hoá những mảng “nâu” kinh tế, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững, gia tăng đầu tư tư nhân là những bước tiến quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, trung hoà các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu".
Trên hành trình tăng trưởng xanh, địa phương vừa là chủ thể tạo lập và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, vừa là trung tâm hưởng lợi và lan tỏa các giá trị xanh. Theo đó, việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh trong vị trí trung tâm của chiến lược quy hoạch tổng thể và kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội địa phương có giá trị và ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này sẽ giúp định hướng thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ và giám sát hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương.
Phát biểu trao đổi tại Diễn đàn ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: "TPHCM đang không ngừng phấn đấu hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm môi trường. Thành phố tiếp tục đề xuất, triển khai các chính sách phù hợp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện quá trình tăng trưởng kinh tế xanh của Thành phố. Nói cách khác, hoạt động xúc tiến đầu tư của TPHCM trong thời gian tới chính là việc chuẩn bị hệ sinh thái để đón làn sóng FDI xanh, để nhà đầu tư có thể cùng phát triển bền vững ở TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung".
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng khẳng định: "Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 10 và 11 đều đặt ra mục tiêu là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó mà 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì bắt buộc phải xử lý nước thải tập trung. Một số doanh nghiệp gần đây đã theo xu hướng đổi mới công nghệ, sử dụng ít lao động hơn, và đối với công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động thì doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang dùng robot. Đây là một xu thế góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh".
Bà cho biết, trong thời gian tới, Đồng Nai cũng được thủ tướng chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch là 6,500 héc đất cho phát triển khu công nghiệp. Dự kiến Đồng Nai sẽ hình thành 8 khu công nghiệp nữa. Đối với khu công nghiệp mới chúng tôi ưu tiên phát triển khu công nghiệp sinh thái và trong các khu công nghiệp này cũng giành quỹ đất để bố trí nhà ở xã hội cho người lao động.
Với quan điểm của tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thanh Hóa phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi hủy hoại môi trường sống. Đây là chủ đề mà Thanh Hóa đang rất quan tâm và chúng tôi đang ban hành rất nhiều nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường đến vấn đề phát triển bền vững. Thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa phải đạt công nghệ cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh, không ảnh hưởng đến nguồn nước, không ảnh hưởng đến môi trường sống cho hiện tại và cả tương lai".
Có thể thấy, về quan điểm và quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương đã thể hiện rất rõ về sứ mệnh và tầm nhìn phải đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, các điều kiện cần và đủ để thực thi chuyển đổi xanh, như đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và những chi phí tài chính khác cũng không dễ dàng đáp ứng, nhất là trong bối cảnh khó khăn và còn nhiều thách thức như hiện nay.
Trao đổi tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho biết mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý hoàn toàn; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.
Thời gian gần đây, Việt Nam tiếp tục ban hành nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án với mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược này đề ra các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đồng thời trong chuỗi giá trị toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng các quy định, các tiêu chí cần đáp ứng trong nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.
Hiện nay, các ngành và địa phương đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - 2050 để trình cấp có thẩm quyền thông qua. Đây là điều kiện tốt để các ngành, địa phương đặt trọng tâm chuyển đổi xanh trong các quy hoạch phát triển và đồng thời nghiên cứu xây dựng những gói hỗ trợ xanh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Cộng đồng các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với các mô hình và xu hướng mới đã hình thành trong và sau đại dịch Covid-19. Do đó, việc xác định chiến lược đầu tư xanh, chuyển đổi xanh trở thành chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp cùng những gói hỗ trợ tài chính xanh của chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để tạo sự thay đổi thực chất.
Trong khuôn khổ diễn đàn cũng đã diễn ra lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp FDI tiêu biểu tăng trưởng xanh năm 2021 nhận giải thưởng Rồng Vàng lần thứ 21 (the 21st Golden Dragon Awards).
Năm nay, ban tổ chức nhận được hơn 600 đề cử và đơn vị đăng ký tham gia. Qua 2 vòng khảo sát và xét chọn, chương trình Golden Dragon Awards năm 2022 đã công bố và vinh danh Top 10 và Top 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu ở 6 nhóm ngành. Đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ số & dịch vụ số; dịch vụ tài chính và bảo hiểm; phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và bất động sản; giáo dục và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống.