Cần Giờ từ lâu đã được biết đến địa điểm du lịch xanh của TPHCM với diện tích rừng tự nhiên rộng gần 34.000 ha, một nửa trong số đó là rừng ngập mặn.
Đây là địa bàn duy nhất của TPHCM giáp biển, với bờ biển dài 23km từ vịnh Đồng Tranh sang vịnh Gành Rái, hệ thống sông rạch chằng chịt, là điều kiện phát triển các ngành nghề mang đậm tính vùng biển như khai thác nuôi trồng thủy sản; sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp gắn với các dịch vụ du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng.
Cần Giờ cũng có các di tích lịch sử nổi tiếng như căn cứ Rừng Sác, Lăng ông thủy tướng, Khu du lịch Vàm Sát, Khu du lịch Dần Xây… hàng năm cũng thu hút đông du khách từ TPHCM.
Xem thêm:
Để thu hút du khách về với Cần Giờ trong thời gian tới, mới đây, huyện đang triển khai lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về đề án xây dựng Chợ đêm thủy hải sản để phục vụ du lịch.
Vị trí dự kiến ở 6 địa điểm, trong đó 2 địa điểm tại Công viên 30/4 hoặc khu đất chợ Hàng Dương (xã Long Hòa) và 4 địa điểm khác ở thị trấn Cần Thạnh.
Lãnh đạo huyện kỳ vọng du lịch phát triển sẽ làm đầu tàu lôi kéo, thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch địa phương; góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, góp phần tiêu thụ nông sản cho người dân.
Ông Từ Như Anh Vũ, Trưởng Phòng Thị trường, Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam cho biết, việc xây dựng chợ đêm hải sản sẽ góp phần thu hút du khách nhiều hơn: “Nếu Cần Giờ có chợ đêm hải sản thì rất hợp lý, du khách sẽ có thể đi chương trình 2 ngày 1 đêm. Lộ trình có thể ban ngày sẽ ghé thăm ấp Thiềng Liềng - Vàm Sát và nghỉ đêm ở Thị trấn Cần Thạnh. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là ở đây chưa có các khách sạn, resort có thể đáp ứng được những đoàn khách du lịch đông cho nên cần phải tính toán lại cơ sở lưu trú phù hợp hơn”.
Hiện nay, ẩm thực Cần Giờ được biết đến với nhiều món ăn đặc trưng như cá thòi lòi trộn gỏi lìm kìm, cá dứa một nắng, xoài cát, dừa nước Cần Giờ. Với hải sản thì có tôm sắt nướng muối ớt, cua Cần Giờ hấp, hàu nướng mọi, tôm tít cháy tỏi, nghêu….
Chị Nguyễn Ngọc Trân chia sẻ, khi đến Cần Giờ, nhu cầu thưởng thức hải sản địa phương là điều mà ai cũng mong muốn. Đó phải là thứ hải sản đặc trưng do chính người dân địa phương nuôi trồng, đánh bắt và khai thác, tránh việc phải nhập hải sản từ vùng khác về khi lượng khách gia tăng. Do đó đòi hỏi địa phương phải tính toán cụ thể sản lượng thu hoạch và khả năng cung ứng để không có chuyện nhập nhằng giữa hải sản của địa phương và các nơi khác.
“Tôi từng chứng kiến, do khách đông dịp cuối tuần nên lượng hải sản Cần Giờ không đáp ứng được và phải nhập hàng từ các chợ đầu mối ở TPHCM. Điều đó làm du khách không hài lòng vì chất lượng hải sản sẽ không tươi ngon.
Thêm nữa, những loại rau ở Cần Giờ du khách ăn cảm thấy ngon muốn mua về thì không có. Do đó, để chiều lòng du khách phải quy hoạch, trồng những loại cây rau quý này để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Khi trồng sẽ không phụ thuộc vào tự nhiên, nguồn hàng lại dồi dào” – chị Trân nêu ý kiến.
Bà Dương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Truyền thông Trung Tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam cho hay, Cần Giờ là khu vực biển bùn. Biển bùn nên du khách không tắm biển được nhưng đây là điều kiện đặc trưng góp phần làm cho các loài thủy hải sản ở đây rất ngon.
Khô cá dứa là đặc sản đặc trưng ở địa phương nhưng không phải ai cũng phân biệt được trên thị trường.
Theo bà Thủy: “Để ăn được cá dứa Cần Giờ hiện nay hơi bị hiếm. Khô cá dứa bán trên thị trường hiện cũng hay bị nhập nhằng, lập lờ và du khách rất khó phân biệt với khô cá tra thịt trắng. Với lá lìm kìm - món ăn giúp người ta gợi nhớ về thời các chiến sĩ đặc công ăn cơm vắt với cá khô, trộn lá lìm kìm cũng là nét ẩm thực đặc trưng ở đây, nhưng hiện nay để hái được lá lìm kìm lại tốn rất nhiều công. Lìm kìm phải ăn lá tươi nên được hái và chế biến theo trong ngày. Do vậy, nếu không đo đếm được lượng khách đến mỗi ngày, nếu hái thừa phải đổ đi rất lãng phí”.
Thống kê cho thấy, Cần Giờ hiện có 18 cơ sở lưu trú với tổng số 465 phòng, tổng công suất 1.400 khách và 10 nhà hàng với công suất phục vụ từ 100 -200 khách/lượt.
Trong 5 năm qua, (giai đoạn 2012 - 2020), du lịch Cần Giờ đón được khoảng 10 triệu 400 ngàn lượt khách, tăng bình quân 31,4%/năm; doanh thu mà ngành du lịch đóng góp cho kinh tế huyện nhà đạt 5.200 tỷ đồng, tăng bình quân 46,3%/năm. Mặc dù, lượng khách tăng nhưng số khách lưu trú qua đêm tại đây chỉ chiếm khoảng 3 - 4% lượng khách đến với Cần Giờ.
Do vậy, đề án xây dựng Khu Chợ đêm ẩm thực thủy hải sản được kỳ vọng sẽ tạo thêm sức hấp dẫn của điểm đến để kéo du khách ở lại qua đêm, nâng cao thu nhập cho người dân và tăng doanh thu trong thời gian tới.