Cần phát triển vùng nguyên liệu gỗ trong nước

(VOH) - Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong năm qua, hầu hết mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu vào thị trường Anh đều tăng mạnh.

Dẫn đầu là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ, ghế khung gỗ.

Với điều kiện thuận lợi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng nhập khẩu vào thị trường này, đạt kim ngạch hơn 5 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 15% so với năm 2020.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam thuộc hàng năng động nhất thế giới; trở thành nước sản xuất gỗ, đồ nội thất lớn thứ 7, nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. Trong nước, xuất khẩu gỗ cũng nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, mức độ thặng dư thương mại xếp thứ 3 trong các mặt hàng, tạo việc làm cho hơn nửa triệu lao động.

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh trong thời gian khá ngắn cũng khiến ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến và năng suất lao động hạn chế so với các quốc gia khác… Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần tăng cường khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu, chất lượng máy móc thiết bị, năng suất lao động… Xung quanh vấn đề này, VOH phỏng vấn ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

can-phat-trien-vung-nguyen-lieu-go-trong-nuoc-voh.com.vn-anh1
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. (Ảnh: goviet)

*VOH: Thưa ông, ngành gỗ đang đối diện với những khó khăn nào?

- Ông Đỗ Xuân Lập: Thứ nhất đó là chi phí tăng cao, thứ hai nguồn cung về nguyên vật liệu bị đứt gãy, đó là những rào cản của mình. Thứ ba, về mặt thị trường, do lạm phát của thế giới, giá logistics tăng chóng mặt.

Trước tình hình như vậy, ngành gỗ cũng đã xác định, để phát triển bền vững và ổn định, phải xác định được vấn đề then chốt của ngành gỗ, trong đó có vấn đề xây dựng nguồn nguyên liệu là từ trong nước để hạn chế, khắc phục tình trạng về những tác động của thế giới đối với logistics, trong đó có chiến sự Ukraina và Nga.

Ở góc độ phát triển vùng nguyên liệu, hiện tại, nguồn gỗ của Việt Nam đang đảm bảo tăng trưởng 60-65% nhu cầu sử dụng trong nước.

Tuy nhiên, 30-40% là đang nhập khẩu để chuyển đổi sang vấn đề này thì ngành gỗ đang tiến hành một loạt chương trình trong đó 22/4 này sẽ có hội thảo chuyên đề về xây dựng, phát triển nguồn nguyên liệu để đảm bảo cho ngành gỗ phát triển bền vững, tạo ra cú huých để đảm bảo cho nguồn cung ổn định.

*VOH: Bên cạnh giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu như ông vừa nêu thì những giải pháp khác để tăng cường khả năng xuất khẩu của ngành gỗ và việc áp dụng các lợi thế từ các hiệp định như thế nào?

- Ông Đỗ Xuân Lập: Liên quan đến vấn đề thị trường, rào cản về thương mại, khó khăn nội tại của ngành thì nhiều nền kinh tế khác cũng có nhiều vấn đề, trong đó, đặc biệt là vấn đề thị trường.

Thị trường thì chúng ta cũng biết đang có vấn đề liên quan đến vấn đề tranh chấp thương mại thường xuyên xảy ra, trong đó có vấn đề một loạt sản phẩm đang rất dễ bị lẫn tránh xuất xứ và đang bị liệt kê vào dạng tiến hành điều tra.

Do đó, ngành gỗ đang phối hợp tiến hành các bước giảm thiểu các vấn đề lẩn tránh xuất xứ, thứ hai, các doanh nghiệp tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là xác định thị trường, đặc biệt là chuỗi sản phẩm chiến lược để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.

*VOH: Trong những năm gần đây, ngành gỗ luôn đạt mức tăng trưởng cao trung bình 13%/năm, tuy nhiên xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi một số mặt hàng đang bị Mỹ điều tra về lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trước tình hình này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có những động thái nào để ứng phó?

- Ông Đỗ Xuân Lập: Chúng ta cũng biết việc những mặt hàng có tính chất chiến lược, để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khi những mặt hàng đó được tăng về mặt số lượng nhanh, nhưng ở đây, chúng ta đang nằm ở ngã ba và cần được giải quyết bởi vì nó có thực của doanh nghiệp Việt hay là của FDI, hay là lẩn tránh xuất xứ thì hội nghị ngày 8/5 này được làm rõ vì sẽ có báo cáo chuyên đề về vấ đề đầu tư FDI trong thời gian vừa rồi vào ngành gỗ, cũng như vấn đề lẩn tránh xuất xứ của chúng ta, và đồng thời làm giải pháp gì để hạn chế, giảm thiểu nguy cơ và sẽ bị nước mua hàng này của chúng ta đưa vào diện điều tra về áp thuế chống bán phá giá.

Để giảm thiểu vấn đề này, chúng ta phải làm rất nhiều giải pháp, trong đó có việc đầu tiên là phải tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để minh chứng cho việc là không có vấn đề nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu để giảm thiểu vấn đề về áp thuế, vì khung thuế của nó là từ 4% cho đến trên 200%, mà nếu như ta đưa vào dạng vùng nguyên liệu trong nước và phụ liệu trong nước thì nguy cơ cũng bị áp thuế nhưng là ở mức thấp. Do đó, đây là giải pháp rất tích cực.

Thứ hai, phải làm thật tốt việc nhập khẩu nguyên liệu dưới dạng dễ bị lẩn tránh trốn xuất xứ để hạn chế nguy cơ bị áp thuế. Thứ ba, hạn chế việc khuyến khích các dự án sản xuất các sản phẩm mà đã bị nước thứ ba áp thuế. Đây là những việc rất cần làm. Bởi việc tăng đột ngột nhưng không phải của doanh nghiệp Việt thì đó là nguy cơ đối với ngành gỗ. Do đó, ngành gỗ phải hết sức mình làm việc này.

*VOH: Dù trải qua một năm đầy khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt sự kỳ vọng của toàn ngành. Đây cũng chính là động lực để ngành chế biến và xuất khẩu gỗ tiếp bước, theo đà để phát triển trong năm 2022, với mức dự kiến hơn 20%. Như vậy để đạt được mức tăng trưởng như dự kiến này, ngành gỗ trong thời gian tới sẽ làm gì?

- Ông Đỗ Xuân Lập: Thời gian tới, trọng tâm là nâng cao năng lực của doanh nghiệp để đáp ứng, thích ứng trong tình hình mới.

Các doanh nghiệp ở đây nâng cao năng lực quản trị, chủ yếu là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ở chỗ, tức là giảm tác động của các chi phí sản xuất tăng cao, giảm tác động của khách quan của quốc tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chủ yếu đổi mới bằng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, để tạo ra năng lực cạnh tranh cao của doanh nghiệp để tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng, đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

VOH : Cảm ơn ông !