Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2022: Vận dụng kinh nghiệm từ các nước, xây dựng kinh tế số - xã hội số

(VOH) - Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai” đã chính thức khai mạc sáng 15/4.

Tham dự và phát biểu tại diễn đàn có Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Văn Mãi cùng hơn 900 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao, lãnh đạo của các tổ chức, định chế tài chính lớn thế giới như WB, IMF, IFC, ADB… các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 9 quốc gia như: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Australia; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số, doanh nghiệp…

Diễn đàn là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TPHCM chủ trì tổ chức, nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm trên địa bàn.

Đại dịch COVID-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã và đang tác động thức đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số...  Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đánh giá: “Đây là diễn đàn của hành động và bắt đầu cho sự bứt phá, nhất là sau khi chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19.

Đối với một thành phố là trung tâm kinh tế năng động, sáng tạo, là đầu tàu kinh tế cả nước, và bắt đầu quá trình hướng vào chuyển đổi số, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển, chúng ta đã tiếp cận kịp thời với những thay đổi quốc tế”.

Diễn đàn Kinh tế lớn nhất TPHCM năm 2022: Quy tụ nhiều tổ chức, định chế tài chính 1
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, trong phát triển kinh tế số, TPHCM cần chú ý đến chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt là vấn đề thể chế.

Quý I/2022, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đang lấy lại đà tăng trưởng với mức +1,88%, so với mức -11,6% của quý 4/2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Văn Nên đánh giá, với tinh thần năng động sáng tạo, các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số. Đây cũng là định hướng phát triển mới của Thành phố nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng nhìn nhận, kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ. Bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách từ Trung ương, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.

Kinh tế số cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân; Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực. 

Diễn đàn Kinh tế lớn nhất TPHCM năm 2022: Quy tụ nhiều tổ chức, định chế tài chính 2
Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

“Để thực hiện nghị quyết ấy, TPHCM đã xây dựng kế hoạch hành động, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số đặt mục tiêu sớm đưa Viện công nghệ tiên tiến đổi mới sáng tạo của Thành phố, Trung tâm tư vấn hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Thành phố hoạt động có hiệu quả hơn; Triển khai xây dựng đô thị thông minh ở giai đoạn 2 và hợp tác với các trường đại học, Viện nghiên cứu để thúc đẩy các đề án phát triển, giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quyết tâm hình thành nhanh hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triền nền kinh tế số thành phố”, Bí thư Thành ủy – Nguyễn Văn Nên cho biết.

Từ khi xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tề Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Van Mãi cho biết, TP đã đề ra mục tiêu và quyết sách: Thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Với quy mô đô thị hơn 10 triệu người, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi hội tụ gần 40% số lượng doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp và nhất là tiềm lực về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Thành phố phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Thành phố đã và đang triển khai có hiệu quả các chính sách của trung ương trên địa bàn đồng thời xây dựng một hệ thống các biện pháp và giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực.

“Ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản như lĩnh vực đât đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…Triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, bao gồm: Hợp tác về chuyển đổi số trong khuôn khổ hợp tác chung giữa Ủy ban nhân dân Thành phố và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tập trung công tác quản trị dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Văn Mãi cho hay.

Diễn đàn Kinh tế lớn nhất TPHCM năm 2022: Quy tụ nhiều tổ chức, định chế tài chính 3
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.

Đặc điểm kinh tế TP Hồ Chí Minh với hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hơn 300 ngàn hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế Thành phố.

Mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, trong đó nổi bật là yếu tố nhân lực kể cả 2 khía cạnh: nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yếu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp - động lực và trở lực đang đan xen nhau.

Nói về chuyển đổi số ở TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, chính trong đại dịch, các hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi số được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đánh giá cao tính nhạy bén, năng động của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố trong việc tổ chức Diễn đàn với chủ đề kinh tế số.

Ông cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411 về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Về mục tiêu phát triển kinh tế số, Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước, đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%.

Diễn đàn Kinh tế lớn nhất TPHCM năm 2022: Quy tụ nhiều tổ chức, định chế tài chính 4
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế.

Để thực hiện thành công các mục tiêu này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực.

Theo ông, chỉ khi có nền kinh tế mạnh, hàng hóa dịch vụ dồi dào thì mới là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế số, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ cao cấp khác : “Trong diễn đàn kinh tế số, tôi hoan nghênh Thành phố đã mời được nhiều tổ chức quốc tế uy tín, nhiều quốc gia và địa phương nước bạn tham dự và chia sẻ".

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, cần học hỏi nghiêm túc, bài bản và liên tục, mới hấp thụ được các tinh hoa, các bài học quý báu của bạn bè quốc tế. Việc vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và Thành phố, không máy móc.

"Định hướng chung và chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đã có, vấn đề còn lại là triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế của Thành phố. Phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể.

Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số.

Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bình luận