Cập nhật mới nhất tối 10/10: 121/550 cửa hàng tại TPHCM không còn xăng

(VOH) - Theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, hiện tại có 121/550 cửa hàng tại TPHCM không còn xăng. Các cửa hàng đã đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp thiếu hoặc không còn xăng để cung cấp.

Chiều 10/10, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, tình hình thiếu nguồn xăng dẫn đến phát sinh một số cửa hàng không còn xăng để bán. Các cửa hàng tạm hết xăng tập trung ở các quận huyện vùng ven như Bình Chánh (8 cửa hàng), Bình Tân (15 cửa hàng), TP Thủ Đức (21 cửa hàng)...

Các cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.

thiếu xăng
Cửa hàng xăng dầu số 16 (trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức) chiều ngày 10/10, đông nghẹt người dân xếp hàng mua xăng. (Ảnh: HL)

Các đội quản lý thị trường tại TPHCM đã tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM khẳng định, trường hợp phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì phải làm rõ xử lý theo đúng quy định.

Xem thêm: Người dân vất vả chờ đổ xăng: Sở Công Thương TPHCM nói gì?

Trong ngày 10/10, tại TPHCM nhiều cây xăng đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt. Người dân xếp hàng rất đông tại một số cây xăng và phải xếp hàng rất lâu mới mua được xăng. Trung bình mỗi người chờ khoảng 15 - 20 phút để đến lượt đổ xăng. Một số người phải quay xe tìm cây xăng khác vì chờ đợi lâu.

Về vấn đề khan hiếm xăng dầu, PGS. TS. Nguyễn Văn Hợp - Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) cho rằng: “Chúng ta đang bị phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nhập khẩu nên lượng xăng dầu bị cắt dẫn tới khủng hoảng đầu vào. Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu của cả nước. Giải pháp hiện nay chính là tìm nguồn thay thế và nên có nguồn thay thế từ sớm chứ không phải đợi tới lúc nguồn cung bị cắt và khủng hoảng như hiện nay”.

Nói về tác hại của vấn đề gián đoạn nguồn cung xăng dầu, PGS. TS. Nguyễn Văn Hợp đánh giá, nếu tình trạng này xảy ra trên diện rộng thì rất nghiêm trọng hay có thể nói là ảnh hưởng "kinh hoàng" tới cả quốc gia.

“Đầu tiên, chúng ta sẽ tê liệt hệ thống vận tải, hàng hoá không lưu thông được sẽ bị hư hại. Nguyên vật liệu không tới được với công ty xí nghiệp chế biến, thành phẩm không được tạo ra. Nếu thành phẩm được tạo ra cũng không tới được đại lý và người tiêu dùng. Kinh tế sẽ “chết đứng” và khủng hoảng nặng nề. Đó là chưa kể đến di chuyển dân sinh. Mọi hoạt động cơ bản cũng sẽ gặp khó khăn. Giá cả cũng sẽ leo thang và không dễ dàng xoay chiều.” - PGS. TS. Nguyễn Văn Hợp khẳng định.

TPHCM hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối, 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Sở Công Thương TPHCM cho biết, đêm 9/10, khoảng 80 xe bồn xăng dầu đã được Petrolimex TPHCM vận chuyển từ kho về các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống này. Đồng thời, Sở cũng sẽ rà soát và đề nghị các đầu mối có lượng hàng lớn phân bổ hợp lý cho hệ thống bán lẻ.