Châu Âu chuẩn bị cho mối đe dọa ‘chiến tranh thương mại’ dưới thời Tổng thống Trump

VOH - Châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với ông Donald Trump sau khi đảng Cộng hòa giành lại Nhà Trắng.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu từ 10 đến 20% và coi Liên minh châu Âu là "Trung Quốc thu nhỏ" mà ông tin là đang lợi dụng nước Mỹ.

Bên kia Đại Tây Dương, các quan chức châu Âu đang theo dõi tình hình với cảm giác chán nản như đã từng trải qua trước đây.

chau-au-071124
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) - Ảnh: AFP

Quay trở lại năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhà lãnh đạo Mỹ đã áp thuế đối với thép và nhôm xuất khẩu của châu Âu - buộc EU phải đáp trả bằng mức thuế cao hơn của riêng mình.

"Với tôi 'thuế quan' là một từ rất đẹp" - ông Trump nhắc lại điều này trong bài phát biểu năm nay.

Kết quả là, châu Âu đã tính toán nhiều kịch bản trong nhiều tháng - bao gồm cả chiến thắng của ông Trump - để đảm bảo rằng lần này châu Âu đã sẵn sàng, trong trường hợp ông quyết định gây ra một cuộc xung đột thương mại mới với khối này.

Mặc dù Brussels sẽ tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đối tác thương mại lớn nhất của mình, nhưng "chúng ta không nên ngây thơ về tương lai của quan hệ EU-Mỹ", một nhà ngoại giao EU cảnh báo.

Các nhà ngoại giao và quan chức khẳng định, họ đoàn kết và có đủ công cụ để ứng phó với bất kỳ biện pháp nào của ông Trump - nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra sự chia rẽ, trong đó nước Đức còn dè dặt với vấn đề này.

"Liệu người châu Âu có đoàn kết chống lại ông Trump và có thể xác định được lợi ích chung của châu Âu không? Sẽ rất phức tạp", Sylvie Matelly, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Institut Jacques Delors cho biết.

Matelly cho rằng: "Chính sách thương mại châu Âu có thể là ‘nạn nhân’ đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống mới".

Việc thuyết phục Berlin - quốc gia đang lo sợ cơn thịnh nộ của ông Trump - thực hiện hành động trả đũa cứng rắn có thể sẽ đặc biệt khó khăn.

Matelly nói: "Ông Trump biết rõ rằng, Đức bán rất nhiều ô tô cho Mỹ và có thể kiềm chế mọi phản ứng của châu Âu đối với thuế quan của ông Trump".

Chỉ trong tháng trước, Berlin đã bất đồng quan điểm với các đối tác lớn khi bỏ phiếu chống lại mức thuế quan cao hơn đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất dù cuộc điều tra của EU kết luận rằng, những xe này được hưởng lợi từ trợ cấp nhà nước của Bắc Kinh và làm giảm giá thành của các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu.

Sự phản đối của Đức không đủ để ngăn chặn việc áp dụng thêm thuế, nhưng là bằng chứng cho thấy lập trường của Berlin về phòng vệ thương mại khác với các quốc gia EU khác như Pháp và Ba Lan.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tìm cách xóa tan mọi nghi ngờ về sự thống nhất của EU bằng lời hứa sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng sẽ cùng nhau hợp tác hướng tới "một châu Âu thống nhất hơn, mạnh mẽ hơn và có chủ quyền hơn" sau chiến thắng của ông Trump.

Tuy nhiên, bản thân ông Scholz lại có quan điểm khác trong thông điệp chúc mừng gửi tới ông Trump, nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương và nói rằng: "Chúng ta sẽ tốt hơn nếu ở bên nhau".

Bình luận