Thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân đã đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên để thực hiện được tốt chủ trương này thì các bên liên quan cần có lộ trình cụ thể. Đó cũng là nội dung của loạt bài: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Tiến nhanh - Tiến vững”, do phóng viên Phước Tiến thực hiện.
Bài 1: Chủ động tăng tốc
Chuyển đổi số hiện nay được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn kinh tế, trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyển đổi số được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Và những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã tiếp cận nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng thực tế trong canh tác nông nghiệp, nông nghiệp chính xác. Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng là 1 trong 8 lĩnh vực kinh tế cần chuyển đổi số trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như chương trình chuyển đổi số của thành phố. "Trong chỉ đạo chung của thành phố liên quan tới kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, thì kinh tế số là một trong 8 lĩnh vực kinh tế số có liên quan tới nông nghiệp hay còn gọi là nông nghiệp số. Và đặc biệt đối với sự phát triển đô thị chúng ta thì phần nông nghiệp số thì nó lại càng thể hiện rõ hơn nữa. Chúng ta nghiên cứu kỹ về phần liên quan đến kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ để định hướng trong phát triển nông nghiệp đô thị sắp tới", ông Hiệp cho biết thêm.
Theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, thì thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có tốc độ phát triển kinh tế số rất nhanh. Điều này chứng tỏ rằng, chuyển đổi số đang thu hút được doanh nghiệp vào thực hiện, vì doanh nghiệp thấy lợi ích rất lớn từ việc này. Là một địa phương năng động, sáng tạo, thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng ban hành chương trình chuyển đổi số cụ thể, được xây dựng dựa trên chương trình chuyển đổi số quốc gia với các nội dung cốt lõi: kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Và theo đó đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố và đến năm 2030 sẽ chiếm 40%. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19, cho thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số càng được đề cao. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số phải phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng và nhu cầu thực tiễn. Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Kinh tế số có 3 phạm vi có thể là phạm vi hẹp gồm kinh tế, phần mềm, phần cứng và các dịch vụ thông tin truyền thông. Phần thứ 2 là kinh tế số gồm có dịch vụ số và kinh tế nền tảng. Và cuối cùng từ kinh tế nền tảng thì có các hoạt động khác, có tính chất lan tỏa để mở rộng, đó là kinh tế số hóa, gồm kinh doanh điện tử, thương mại điện tử,r ồi công nghiệp 4.0, nông nghiệp chính xác, vv… Như vậy thì các doanh nghiệp chúng ta phải biết, chúng ta định vị ở đâu và chúng ta phải làm như thế nào chứ không phải là câu chuyện, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải theo".
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế nhiều nước bị chựng lại, thậm chí tăng trưởng âm. Tuy nhiên, trong "nguy có cơ", nhiều doanh nghiệp, nông dân Việt Nam đã chủ động chuyển mình, tự cứu lấy mình bằng việc ứng dụng các công nghệ số để nông dân có thể tự tìm đầu ra cho mình hoặc doanh nghiệp có thể kết nối, dễ dàng tìm kiếm liên kết chuỗi cho mình. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân theo chuỗi, những năm gần đây đã thấm vào cuộc sống. Đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây, việc một doanh nghiệp vệ tinh có thể ký kết với các hộ nông dân từ khâu sản xuất, trồng trọt, khâu nuôi trồng và đưa vào chuỗi siêu thị của họ theo tiêu chuẩn của họ đã diễn ra khá thuận lợi, thông qua việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc, thông qua hệ thống chuyển đổi số, quản lý dữ liệu, sử dụng các nền tảng kết nối dịch vụ số hóa hay các nền tảng định danh điện tử khác. "Trước đây người nông dân tự làm ra sản phẩm rồi không biết bán ở đâu, có thể chỉ tự làm ra để cung cấp cho chính khu vực mình đang sinh sống, cho làng, cho quận, huyện đang sinh sống, nhưng giờ đây, người ta đã biết cách tìm đến các doanh nghiệp và người ta đã đảm bảo được quyền lợi của họ chí ít ở mức độ là bao tiêu, được bao tiêu trong kế hoạch. Nếu chúng ta không có sức sáng tạo, không có cách làm hay, chắc chắn là những doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta sẽ mất thị phần trên chính thị trường nội địa vô cùng tiềm năng này", ông Toản dẫn chứng.
Nhận định chuyển đổi số trong nông nghiệp trong giai đoạn này là một xu hướng tất yếu, đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm do chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phục vụ cho các hoạt động thương mại, công cộng, vv… do đó cần phải tiến nhanh hơn để bắt kịp thị trường và đáp ứng nhu cầu thực tế. Trung tâm khuyến nông thành phố định hướng trong thời gian tới, sẽ giúp cho người nông dân có chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, nâng cao hơn nữa việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Chúng tôi cũng định hướng trong thời gian tới sẽ làm sao giúp cho người dân có chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, ví dụ như là chúng ta phát triển hệ thống phần mềm thì ngoài việc quản lý được hoạt động sản xuất của mình, quản lý vật tư đầu vào, rồi phục vụ cho việc truy suất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời cơ quan quản lý cũng sẽ giúp tìm ra được những cái khâu mà không hiệu quả thì tư vấn cho người dân là điều chỉnh lại quá trình sản xuất của mình hiệu quả hơn. Và bên cạnh chuyển đối số đó không những chỉ là quản lý sản xuất mà cần phải định hướng chuyển đổi số này sẽ kết nối được với doanh nghiệp thu mua, kết nối được với thị trường tiêu thụ, giảm bớt được khâu trung gian. Người dân có sản phẩm tốt họ có thể qua các ứng dụng có thể tìm được nhà thu mua hợp lý nhất với cái giá cả hợp lí nhất để họ sẽ kết nối buôn bán".
Trong giai đoạn dịch Covid-19, có rất nhiều yếu tố thay đổi khó lường. Để xác định hướng đi đúng đắn và tiến lên đạt mục tiêu chung thì rất cần có sự phối hợp, hỗ trợ nhịp nhàng từ nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Đặc biệt là việc đẩy nhanh chuyển đổi số trong nông nghiệp.