Tại Cà phê doanh nhân, kết nối giao thương lần 3 với chuyên đề “Chuyển đổi số thương mại điện tử cho doanh nghiệp” với hơn 300 doanh nghiệp tham dự do Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 28/11. Các doanh nghiệp đã nêu những vấn đề khó khăn của từng doanh nghiệp trong chuyển đổi số, cách tiếp cận và đưa hàng lên các trang thương mại điện tử để đưa hàng hóa bán xuyên quốc gia.
Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20% - 30%/năm, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam 2019 đạt hơn 10 tỷ đô la Mỹ, ước tính giá trị mua sắm trực tuyến đặt 225 đô la Mỹ/người/năm, cao nhất trong khu vực. Các chuyên gia nhận định, trong đại dịch, các kênh bán hàng trực tuyến là phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm. Việc chuyển đổi hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai dài hạn.
Tuy nhiên, một khảo sát không mấy khả quan với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy, vẫn có hơn 70% các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa triển khai xây dựng kênh thương mại điện tử cho doanh nghiệp, đặc biệt là thương mại điện tử quốc tế. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không biết làm thương hiệu, chỉ làm gia công cho khách hàng theo kiểu bán trực tiếp cho thương lái hoặc tìm kiếm khách hàng tại các hội chợ triển lãm quốc tế, họ không quan tâm đến Thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp chưa có kiến thức về thương mại điện tử quốc tế.
Thị trường thương mại điện tử của Amazon đang có mặt tại châu Mỹ, châu Âu, thậm chí các quốc gia đang đứng trước thế giới như Nhật Bản…Để hỗ trợ bán hàng trên trang thương mại điện tử của Amazon, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Hỗ trợ Doanh nghiệp Amazon Việt Nam cho biết, trong quá trình tư vấn, đội ngũ Amazon sẽ tư vấn sâu sát cho doanh nghiệp về kế hoạch kinh doanh. Một kế hoạch kinh doanh sẽ bao gồm: giá thành sản phẩm, các loại phí sẽ chi trả khi bán hàng xuyên biên giới như: chi phí vận chuyển, mở rộng thị trường, kênh phân phối, chi phí đầu tư thương hiệu và sản phẩm. Ngoài ra, cần một đội ngũ để hỗ trợ bán hàng xuyên biên giới.
“Ở Mỹ có một khái niệm là “The I Why do it yourself, họ muốn tự làm tất cả mọi thứ, thành ra thường những linh kiện mọi người nghĩ không bao giờ mình có thể bán được hoặc những sản phẩm nghĩ làm sao mình có thể bán được như thay đổi ốc vít hay những sản phẩm mà không có kỹ năng không thể nào cài đặt, kết nối được, thì ở Mỹ, tất cả những sản phẩm riêng trên kênh Amazon thì không có gì là không thể bán được hết, quan trọng là cách thức mình bán như thế nào, chiến lược mình bán ra sao và kế hoạch kinh doanh mình bán như thế nào?”, ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết thêm.
Trước lo lắng của doanh nghiệp về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay trên thị trường, ông Mã Thanh Danh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido cho rằng, điều đầu tiên, doanh nghiệp cần có tư duy về văn hóa dùng người. Phải hiểu rõ loại hình công việc đó cần dùng đúng người như thế nào, đúng tính cách và sở trường của họ. Thứ hai, trong thời đại số hiện nay, người ta có khái niệm là “thiết kế quy trình” để người không biết gì cũng không thể làm sai. Theo ông, thiết kế hệ thống, quy trình cũng cần chọn đúng người, thiết kế công việc để giảm bớt lỗ.
Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C (hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng) tính cho cả hàng hóa và dịch vị tiêu dùng trực tuyến tăng 25%, đạt 35 tỷ đô la Mỹ, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ xác định thương mại điện tử là nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả, sản xuất - kinh doanh.